Tổng hợp mạch nhánh taxol

Đề tài sắp tới của mình là tổng hợp mạch nhánh taxol (semisynthesis taxol side chain) có danh pháp là N-benzoyl-(2R,3S)-3-phenylisoserine và cấu trúc như pictures1. Qui trình đề nghị của mình như pictures2, cụ thể như sau: 8->9: MeCOOOH, CH2Cl2, 25oC 9->10: NH3, EtOH, 100oC 10-11: 1) Ba(OH)2 2) H2SO4 11->12: 1) PhCOCl 2) HCl Bạn nào có thể giúp mình đề nghị thêm những qui trình, cách làm khác hoặc có kinh nghiệm trong tổng hợp hữu cơ, xin chia sẽ giúp kinh nghiệm. Xin chân thành cảm ơn.

Đây là đề tài seminar của mình . File Taxol là file hoàn chỉnh, còn file eminar là chưa hoàn chỉnh, do ban đầu “lầm lỡ” làm lộn nhưng sau đó đã được thầy chỉ dẫn quay lại đường “chính đạo” :slight_smile:

Hi all, Mình cần tìm bài báo này: Hauser, C.R.; Renfrow Jr., W.B. J.Am.Chem.Soc. 1937, 59, 121. Bài báo nói về tổng hợp N-Benzamid, bạn nào có thể tìm thấy xin cung cấp giúp mình. Thanks!

Bạn nào có thể giúp mình tổng hợp Ethyl chloro acetate từ ethyl acetate hoặc các chất nền đơn giản khác được ko? Thanks!

Gửi bạn qui trình bán tổng hợp taxol theo yêu cầu và qui trình bán tổng hợp taxol có hoạt tính kháng ung thư

Hi Duy Nhut, Bạn ơi, mình cảm ơn bạn nhiều vì đã cung cấp tài liệu nhưng các tài liệu của bạn là do các lab trên thế giới làm, với điều kiện có kinh phí và thời gian. Còn mình chỉ có khoảng 1 học kì 5 tháng để làm và kinh phí cũng rất hạn hẹp, chưa kể không có hóa chất để làm (có tiền muốn mua cũng phải đợi đặt hàng vài tháng mới có). Do đó hiện tại mình đang nhằm vào những qui trình simple và cheap, đa số do các lab bên Trung Quốc và Nhật làm, nhưng cũng “chua” lắm vì điều kiện phản ứng nói ra thì đơn giản nhưng không hề dễ dàng làm: khuấy 72 giờ và giữ ở nhiệt độ 0oC. Nói chung hiện tại có một số yếu tố khách quan nhưng mình cũng vượt qua được 50% rồi. Một lần nữa cảm ơn bạn vì đã share tài liệu, hi vọng tụi mình sẽ có điều kiện tiếp tục thảo luận sâu hơn ha. Thân.

Nhờ các bro tìm giúp qui trình thực nghiệm điều chế benzoyl chloride PhCOCl. Thanks.

Trong bài báo này mình không hiểu đoạn sau (làm thế nào để thu hồi được ligand)

The combined organic extracts were washed with 3N HCl (to recover the ligand), water and brine, dried over anhydrous MgSO4 then concentrated to afford the crude product contaminated by regioisomer 3B, diol, and benzamide.

Mong các bro chỉ giúp! Thanks

(DHQ)2PHAL (Hydroquinine 1,4-phthalazinediyl diether), (DHQ)2PYR (Hydroquinine 2,5-diphenyl-4,6-pyrimidinediyl diether) hoặc (DHQ)2AQN (Hydroquinine anthraquinone-1,4-diyl diether) là những ligand thông dụng trong phản ứng Sharpless dihydroxyl hóa phi đối xứng (Sharpless asymmetric dihydroxylation).

Ngày nay, tác chất dùng cho phản ứng Sharpless asymmetric dihydroxylation đã được thương mại hóa với tên thong dụng là (“AD-mix”). Hỗn hợp chứa K2OsO2(OH)4, K2CO3, K3Fe(CN)6 và ligand (DHQ)2-PHAL được gọi là hỗn hợp AD-mix-α. Dùng tác chất này sẽ cho sự dihydroxyl hóa xảy ra ở bên dưới mặt phẳng sp2 của mô hình. Nếu ligand là (DHQD)2-PHAL thì gọi là hỗn hợp AD-mix-β vì nó cho sự dihydroxyl hóa xảy ra ở bên trên mặt phảng sp2 của mô hình.

Quay trở lại câu hỏi của Tigerchem: “The two phases were separated, and the aqueous phase was extracted with ethyl acetate. The combined organic extracts were washed with 3 N HCl (to recover the ligand), water and brine, dried over anhydrous MgSO4,then concentrated to afford the crude product contaminated by regioisomer 3B, diol, and benzamide”

DHQ và DHQD là những Cinchona Alkaloids. Do ban đầu phản ứng sử dụng LiOH nên môi trường phản ứng là môi trường baz. Nên các ligand sẽ ở dạng trung hòa. Sau phản ứng khi trích ly bằng EtOAc, các ligand, sản phẩm và các chất hữu cơ sẽ nằm trong pha hữu cơ (organic layer). Khi rửa pha hữu cơ với acid 3N HCl, gốc alkaloid của ligand sẽ chuyển thành muối ammonium vì vậy ligand sẽ tan được trong pha nước vì vậy ligand được tách ra khỏi sản phẩm.

Sau khi tách bằng bình lóng, pha hữu cơ chứa sản phẩm thô sẽ được rửa với nước để loại vết acid, với nước muối để loại gần hết nước trong pha hữu cơ và cuối cùng làm khan với MgSO4, v.v.v tinh chế để thu được sản phẩm tinh khiết.

Pha nước (nằm dưới vì có tỷ trọng nặng hơn ester) khi này sẽ được trung hòa (pH ~ 7) hoặc baz hóa (pH 8-10) để chuyển muối của alkaloid về dạng alkaloid tự do. Em coi thử alkaloid cinchona cần pH khoảng bao nhiêu để ở dạng tự do hoàn toàn (hỏi thử bên HCTN hoặc đọc mấy tài liệu trích ly alkaloid bên HCTN, mình nghĩ chắc pH~12 là tất cả đều tủa). Khi này ligand sẽ kết tủa hoặc tạo dung dịch đục và có thể thu hồi bằng hai cách.

Cách 1: Có thể lọc bằng phễu Buchner để thu kết tủa, và rửa nhiều lần với nước cho sạch vết baz. Vì lượng ligand khá nhỏ nên cần dùng phễu Buchner có đường kính đáy chỉ khoảng 1cm. Loại phễu này lọc được lượng chất khoảng 10 mg đến 1 g. Cắt miếng giấy lọc bằng đầu ngón tay lót xuống đáy phễu, Nếu dùng phễu lớn, dính hết ligand trên miếng giấy lọc!

Cách 2: Hoặc có thể trích ligand bằng dung môi thích hợp như Et2O, EtOAc, CH2Cl2, CHCl3…rồi rửa nước, rửa với nước muối, làm khan, lọc loại bỏ chất làm khan và cô quay để thu hồi dung môi. Ligand sẽ nằm trong bình cầu cô quay. Nhớ cân bình trước khi cô quay để sau đó cân lại để xác địng lượng ligand thu hồi được.

Hy vọng giải thích đủ rõ cho Tigerchem làm TN.

Ghi chú: Do những đóng góp về tổng hợp phi đối xứng, GS. K. Barry Sharpless đã được đồng giải thường Nobel về hóa học năm 2001.The Nobel Prize in Chemistry 2001 - NobelPrize.org Sharpless asymmetric dihydroxylation - Wikipedia

Em còn 1 số thắc mắc sau muốn hỏi anh thêm,

  1. Đã dùng K2OsO2(OH)4 làm tác nhân hidorxy hoá rồi, tại sao phải cần thêm K3Fe(CN)6, cũng là 1 tác nhân oxy hoá, trong khi phức này đối xứng và không giúp ích gì cho tổng hợp bất đối xứng, còn đưa thêm 1 pha vô cơ vào và có màu cam, có thể cản màu để theo dõi phản ứng (em đọc thấy người ta viết khi màu hỗn hợp chuyển sang xanh đậm là phản ứng xong, có phải cho K3Fe(CN)6 vào nhằm mục đích này?), và ligand nhằm mục đích làm tác nhân phi đối xứng nhưng em không biết cơ chế tại sao. Phần này thì hơn nghiêng về Sharpless chứ không liên quan phần thực nghiệm của em nên em chỉ muốn hỏi thêm.

  2. Tại sao dùng LiOH mà không dùng NaOH hay KOH trong thực nghiệm.

  3. Nước muối ở đây là gì (dung dịch NaCl) ? Tại sao phải dùng nước muối? Lượng dùng như thế nào (nồng độ, pha chế hay có sẵn)?

  4. Trong cách lọc ligand anh chỉ, cách 1 thì em chưa làm bao giờ (em cũng chưa từng làm tổng hợp theo qui trình, chỉ làm những bài tổng hợp nhỏ ở thực tập chuyên ngành nên còn yếu kinh nghiệm và thiếu dụng cụ lắm), nhưng điều em muốn hỏi là sau khi lọc như vậy ligand có thể tái sử dụng được không? Theo kinh nghiệm của anh thì khả năng tái dùng là bao nhiêu %

Còn cách 2 thì em thấy hiệu suất thu hồi thấp quá, qua nhiều giai đoạn trong khi mình chỉ có vài mg, và trong phòng thí nghiệm trường em chỉ có bình cô quay 2L nên (em không dám hình dung là vài mg ligand có chịu nổi lực hút của máy bơm không hay sẽ bị cuốn theo dung môi).

Anh share thêm kinh nghiệm giúp em nha. Em cảm ơn anh.

[i]Câu 1) Đã dùng K2OsO2(OH)4 làm tác nhân hidorxy hoá rồi, tại sao phải cần thêm K3Fe(CN)6, cũng là 1 tác nhân oxy hoá, trong khi phức này đối xứng và không giúp ích gì cho tổng hợp bất đối xứng, còn đưa thêm 1 pha vô cơ vào và có màu cam, có thể cản màu để theo dõi phản ứng (em đọc thấy người ta viết khi màu hỗn hợp chuyển sang xanh đậm là phản ứng xong, có phải cho K3Fe(CN)6 vào nhằm mục đích này?), và ligand nhằm mục đích làm tác nhân phi đối xứng nhưng em không biết cơ chế tại sao. Phần này thì hơn nghiêng về Sharpless chứ không liên quan phần thực nghiệm của em nên em chỉ muốn hỏi thêm.

[/i]Trả lời: Potassium ferricyanide or N-methylmorpholine N-oxide được dùng để giải phóng trở lại osmium tetroxide hoạt hóa 2 trong chu trình phản ứng. Vì vậy chỉ cần dùng một lương nhỏ OsO2(OH)4 cho phản ứng mà thôi.

Câu 2) Tại sao dùng LiOH mà không dùng NaOH hay KOH trong thực nghiệm.

Trả lời: Trong phản ứng Sharpless assymetric dihydroxylation thường dùng một baz yếu như K2CO3, NaHCO3, amine hay LiOH. Bắt buộc sử dụng một baz để thủy giải trung gian vòng 4 tạo thành diol sản phẩm 5 và osmate 6 trong chu trình ở trên. Baz mạnh không được dùng (mình không chắc chắn!) có lẽ do các baz mạnh ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của toàn chu trình như kết hợp với ion Fe3+.

Tùy từng chất nền mà phải làm screening experiment, tức là tối ưu hóa hiệu suất bằng cách thử nghiệm các baz khác nhau. Thường tác giả bài báo chỉ trình bày baz cho hiệu suất cao nhất. Hoặc mới thử trên một baz đầu tiên thấy đã okay nên họ không thử tiếp nữa. Trong tổng hợp hữu cơ thường không tối ưu hóa từng bước phản ứng ngay lần đầu mà thường cứ làm tiếp cho đến khi ra sản phẩm cuối cùng. Rồi sau đó mới tối ưu hóa từng bước nếu cần. Vì nhiều khi bỏ thời ra để tối ưu hóa những bước đầu, nhưng bước cuối cùng không thực hiện được sẽ phí công vô ích.

Câu 3) Nước muối ở đây là gì (dung dịch NaCl) ? Tại sao phải dùng nước muối? Lượng dùng như thế nào (nồng độ, pha chế hay có sẵn)?

Trả lời: Nước muối ở đây là dung dịch bão hòa NaCl trong nước. Trong nhiều trường hợp khi dùng dung môi hữu cơ (nhất là toluene, benzene, chloroform hay dichloromethane) để trích sản phẩm hữu cơ từ pha nước, sau khi ta lắc bình lóng có hiện tượng nhũ hóa xảy ra. Dung dịch trích bị đục và không phân tách tốt giữa hai pha. Sau khi tháo bỏ pha nước ra khỏi bình lóng. Lớp hữu cơ được cho trở lại bình lóng và lắc với dung dịch muối NaCl bão hòa. Do NaCl tan tốt trong nước nên khi lắc với nước muối bão hòa, các hạt nước li ti có trong pha hữu cơ sẽ bị kéo về pha nước và sự phân tách giữa hai pha trở nên rõ ràng, và pha hữu cơ không còn bị đục nữa và trong hơn rất nhiều hoặc “trong suốt đến tuyệt vời” hay nói cách khác pha hữu cơ trở nên khan hơn rất nhiều. Sau đó không cần dùng nhiều MgSO4 hay Na2SO4 để làm khan.

Dung dịch NaCl bão hòa được dùng rất nhiều trong việc trích các hợp chất bằng bình lóng như trích ly tinh dầu, trích ly hợp chất tự nhiên và trích ly hỗn hợp phản ứng. Vì là dung dịch bão hòa nên ta có thể dùng lượng dư NaCl. Để pha dung dịch nên dùng bình 1 L, rồi đổ muối NaCl vào khoảng ¼ bình, rồi sau đó cho nước đến gần đầy bình và lắc lên chừng 5 phút là có thể sử dụng được. Muối dư sẽ lắng ở đáy bình. Khi nào dùng hết phần nước, ta lại cho thêm nước vào, lắc lên và dùng tiếp đến khi nào muối tan hết lại cho thêm muối vào. Nếu kiếm được muối ăn sạch và không có iodine có thể dùng muối ăn để pha dung dịch, nếu muối ăn không sạch thì nên kết tinh lại hoặc mua loại muối ăn tinh khiết hoặc NaCl kỹ thuật là được.

[i]Câu 4) Trong cách lọc ligand anh chỉ, cách 1 thì em chưa làm bao giờ (em cũng chưa từng làm tổng hợp theo qui trình, chỉ làm những bài tổng hợp nhỏ ở thực tập chuyên ngành nên còn yếu kinh nghiệm và thiếu dụng cụ lắm), nhưng điều em muốn hỏi là sau khi lọc như vậy ligand có thể tái sử dụng được không? Theo kinh nghiệm của anh thì khả năng tái dùng là bao nhiêu %

[/i]- Phễu để lọc lượng nhỏ gọi tên là phễu lọc Hirsch (sorry không phải là phễu lọc Buchner), được làm bằng sứ và hình dạng y như phễu lọc thủy tinh nhưng ở đáy phễu có những lỗ nhỏ xíu để thoát chất lỏng như hình dưới đây. Giá bán của phễu lọc Hirsch cũng khá rẻ nhưng không biết có bán ở các cửa hàng dụng cụ ở VN không nữa. http://www.onlinesciencemall.com/Shop/Control/fp/scat/40913/SFV/30852 Khi lọc sẽ cắt miếng giấy lọc chút xíu bằng đầu ngón tay để phủ kín tất cả mấy cái lỗ nhỏ ở đáy phễu. Sản phẩm rắn sẽ nằm trên miếng giấy lọc chút xíu và thành phễu nên dễ thu lấy sản phẩm. Tùy dung dịch mà thời gian lọc có thể từ vài phút đến vài giờ.

Sau khi lọc xong để loại nước hoàn toàn nên làm khan sản phẩm bằng cách để sản phẩm trong bình hút ẩm (desicator) rồi rút bằng bằng máy bơm rút chân không, hoặc dùng tủ sấy chân không, hoặc dùng máy làm khan dung môi ở nhiệt độ thấp. Nếu không có điều kiện, cách đơn giản nhất là cho mẫu vào bình cầu nho nhỏ rồi cô quay 1-2 lần với toluene, benzene (độc tính) hay 1,2-dichloroethane. Những dung môi này cộng phị tốt với nước nên sẽ kéo sạch nước ra khỏi sản phẩm rắn. Khi cô quay co chừng hiện tượng sục sôi và sản phẩm bị bắn lên máy cô quay hoặc nhám nối giữa bình cô quay và máy cô quay. Để đánh giá ligand có thể tái sử dụng hay không ta phải kiểm tra chất lượng của ligand thu hồi. Trước tiên hãy chấm TLC của hai mẫu trên cùng một bản TLC. Nên chấm ít nhất 3 spots. Một spot cho ligand trước phản ứng, một spot gồm ligand trước phản úng và ligand thu hồi (nằm ở giữa), một spot của ligand thu hồi. Khi triển khai bản này sẽ thấy tạp chất (impurities) nếu có trong mẫu thu hổi. Nếu tất cả các spot đều có cùng Rf nghĩa là đã thu hồi thành công ligand.

Tiếp theo chạy phổ NMR của ligand ban đầu và của ligand thu hồi. Nếu chúng tương đương (hai phổ chồng khít lên nhau) là có thể sử dụng được. Rẻ tiền hơn chạy IR của hai mẫu ligand, nếu phổ IR của chúng chồng khít lên thì được nhưng không tốt bằng phổ NMR. Cách đơn giản nhất là đo nhiệt độ nóng chảy của hai mẫu trên cùng một máy đo mp và một loại nhiệt kế. Nếu mp của chúng y như nhau là được. Từ các kiểm nghiệm trên, ta sẽ quyết định là có phải tinh chế lại ligand hay không? Có thể tinh chế bằng cách kết tinh lại hay sắc ký cột.

Câu 4: Còn cách 2 thì em thấy hiệu suất thu hồi thấp quá, qua nhiều giai đoạn trong khi mình chỉ có vài mg, và trong phòng thí nghiệm trường em chỉ có bình cô quay 2L nên (em không dám hình dung là vài mg ligand có chịu nổi lực hút của máy bơm không hay sẽ bị cuốn theo dung môi).

Trả lời: Có thể dùng bình cầu 1-2 L để cô quay không có vấn đề gì, đến khi cô gần cạn hết dung môi thì dùng pipet chuyển dung môi sang bình cầu nhỏ hơn khoảng 5-50 mL rồi cô cho đến cạn. Chứ dùng bình 1-2 L sẽ không thu hồi được sản phẩm đâu vì nó dính khắp bình hết rồi. Sản phẩm là chất rắn chắc chắn sẽ không bị cuốn theo dung môi. Chỉ có điều khi nó khô queo, một chút ít sản phẩm sẽ bay lên dính trên nhám nối giữa máy cô quay và bình cô quay. Điều quang trọng nhất là trước khi gỡ bình cô quay ra, phải tắt và xả hoàn toàn áp suất rồi hãy lấy bình. Vì khi đó bình cô quay có áp suất thấp, nếu ta giật kéo bình ra, một luồng không khí tràn vào bình và nó sẽ đẩy sản phẩm lên nhám nối. Em làm vài lần sẽ có kinh nghiệm.

Cảm ơn anh rất nhiều về 2 bài trả lời chất lượng trên cả tuyệt vời này. Về dung dịch NaCl bão hoà thì em có học hồi thực tập Hữu cơ 1 nhưng quên béng mất, anh nói mới nhớ lại ^^ Về bình cô quay thì em cũng có chút ít kinh nghiệm sử dụng, nhưng em còn 1 thắc mắc là tại sao nước lạnh lại cực kì quan trọng cho máy cô quay, trong khi em nghĩ nước chỉ dùng để hoàn lưu thì lạnh hay bình thường đều được. Trong bài trả lời thứ 2 em cũng còn thắc mắc:

Để đánh giá ligand có thể tái sử dụng hay không ta phải kiểm tra chất lượng của ligand thu hồi. Trước tiên hãy chấm TLC của hai mẫu trên cùng một bản TLC. Nên chấm ít nhất 3 spots. Một spot cho ligand trước phản ứng, một spot gồm ligand trước phản úng và ligand thu hồi (nằm ở giữa), một spot của ligand thu hồi. Khi triển khai bản này sẽ thấy tạp chất (impurities) nếu có trong mẫu thu hổi. Nếu tất cả các spot đều có cùng Rf nghĩa là đã thu hồi thành công ligand.

Đoạn này em chưa hiểu, anh giải thích lần nữa nha!

Có thể dùng bình cầu 1-2 L để cô quay không có vấn đề gì, đến khi cô gần cạn hết dung môi thì dùng pipet chuyển dung môi sang bình cầu nhỏ hơn khoảng 5-50 mL rồi cô cho đến cạn.

Đoạn này em cũng chưa rõ, là khi chuyển qua bình 5-50mL thì cô quay hay cô cạn bằng phương pháp đun thông thường hay để bay hơi tự nhiên. Nếu cô quay thì cổ nối không vừa, vậy ta tiến hành nối cổ được không?

Thank anh nhiều nhiều!

Câu 1: Tại sao nước lạnh lại cực kì quan trọng cho máy cô quay, trong khi em nghĩ nước chỉ dùng để hoàn lưu thì lạnh hay bình thường đều được.

Để máy cô quay (Rotavapor) hoạt động hiệu quả, phải có nguồn áp suất thấp giúp dung môi bay hơi dễ dàng ở nhiệt độ vừa phải (25-80 oC) tùy dung môi. Về nguyên tắc máy hoạt động giống như là chưng cất ở áp suất kém (thấp). Do đó ống sinh hàn phải dùng nước lạnh để tăng khả năng ngưng tụ hơi dung môi và hạn chế hơi dung môi đi vào nguồn tạo áp suất kém. Hơn nữa nếu hơi không ngưng tụ được, sẽ cản trở cân bằng lỏng hơi nên cô quay sẽ rất lâu. Bạn sẽ thấy rõ điều này nếu hôm nào cô quay mà quên mở nước và sẽ thấy dung môi bay hơi chậm một cách khác thường.

Nguồn tạo áp suất thấp có 04 dạng phổ biến sau:

Cách 1: Jet aspirator (Aspirator - Wikipedia) làm bằng kim loại cho áp suất thấp hơn nhiều so với thủy tinh. Nếu tháp nước cao, thì áp lực nước từ vòi nước đủ mạnh để tạo áp suất thấp và không cần dùng bơm nước. Nếu áp lực nước quá yếu, phải dùng bơm nước đẩy qua jet aspirator. Nếu ống sinh hàn không lạnh, hơi dung môi sẽ theo nước thải đi ra ngoài làm ô nhiễm môi trường.

Cách 2: Ở một số nước trong liên minh châu Âu, dùng nước máy để hoàn lưu và cho jet aspirator là phạm pháp nên họ thường phải sử dụng máy bơm màng (membrane vacuum pump) để tạo áp suất kém như hình ở dưới mình đã dùng qua khi làm việc ở Germany. Máy này hoạt động tốt hơn nhiều so với jet aspiratot. Tuy nhiên, nếu ông sinh hàn không hoạt động tốt, hơi dung môi sẽ mau chóng phá hỏng join teflon tạo áp suất thấp ở trong bơm và cái join này không rẻ tiền. http://vacuum-guide.com/vacuum_pump/laboratory/laboratory_vacuum_pump_europe.htm

Cách 3: dùng hệ thống vòi hút áp suất thấp có sẵn trong tủ hút hay phòng thí nghiệm. Nếu ống hoàn lưu không tốt, hơi dung môi sẽ bay về trung tâm của hệ thống và lâu ngày sẽ làm suy yếu hệ thống máy bơm.

Cách 4: dùng máy bơm chân không (bơm dầu- oil pump). Máy này chỉ dùng khi cô các dung môi có nhiệt độ rất cao như DMSO, DMF… Ống sinh hàn phải thật lạnh, nếu không hơi dung môi sẽ đi vào máy làm dầu trong máy bị loãng ra. Hậu quả áp suất của máy sẽ không còn thấp nữa và khi máy chạy thải hơi dung môi trong lab rất độc hại.

Tóm lại phải dùng nước lạnh để ngưng tụ hoàn toàn dung môi. Ở các nước xứ lạnh như Canada, nước thường đã lạnh nên sẽ dùng trực tiếp. Ở một số nước châu Âu, nước cho sinh hàn được làm lạnh đến 10-12 oC. Ta có thể gắn thêm cooler để tăng hiệu quả làm lạnh như hình cooler màu cà phê sữa mình sử dụng ở dưới.

Câu 2: Trong bài trả lời thứ 2 em cũng còn thắc mắc: Để đánh giá ligand có thể tái sử dụng hay không ta phải kiểm tra chất lượng của ligand thu hồi. Trước tiên hãy chấm TLC của hai mẫu trên cùng một bản TLC. Nên chấm ít nhất 3 spots. Một spot cho ligand trước phản ứng, một spot gồm ligand trước phản úng và ligand thu hồi (nằm ở giữa), một spot của ligand thu hồi. Khi triển khai bản này sẽ thấy tạp chất (impurities) nếu có trong mẫu thu hổi. Nếu tất cả các spot đều có cùng Rf nghĩa là đã thu hồi thành công ligand. Đoạn này em chưa hiểu, anh giải thích lần nữa nha! Trả lời: Hình A là TLC gồm 3 spots. Chấm số (1) đầu tiên chỉ có duy nhất ligand trước TN, chấm số (3) chỉ có duy nhất ligand thu hồi và chấm số (2) em chấm cả ligand trước TN và ligand thu hồi vào một chỗ. Sau khi triển khai bản TLC sẽ được hình B. Nếu có tạp chất (impurity) trong sản phẩm thu hồi, em sẽ thấy ngay vết tạp chất. Sản phẩm thu hồi sẽ có cùng Rf với ligand ban đầu. Tại sao phải chấm chung ở spot số (2)? Vì trong nhiều trường hợp phản ứng cũng như thu hồi, nguyên liệu đầu (starting material) và sản phẩm có Rf rất gần nhau nên không thể phân biệt là phản ứng đã hoàn tất hay còn nguyên starting material như trong hình D. Nhưng nếu có chấm chung spot số (2) như hình C sẽ giúp nhìn ra dễ dàng là phản ứng đã hoàn tất hay sản phẩm thu hồi có đúng là sản phẩm mong muốn hay không nhờ vào hiện tượng kéo đuôi hay hai spots phủ lên nhau như hình vẽ.

Nếu trường hợp đã chấm chung hai spots starting material (sm) và product mà chúng vẫn phủ lên nhau như hình B, vậy ta phải làm gì để biết phản ứng đã hết hoặc thu hồi đúng sản phẩm? Khi này ta phải kiểm tra dưới đèn UV ở các bước sóng khác nhau. Chất khác nhau sẽ lên màu khác nhau. Nếu vẫn không phân biệt được thì phải hiện màu bằng các thuốc thử (TLC stains) khác nhau như trong link dưới đây.Chất khác nhau thường cũng lên màu khác nhau với thuốc thử. http://www.chem.utoronto.ca/staff/RAB/teachinglinks.html Nếu vẫn không phân biệt được đành phải cô lập phản ứng và chạy NMR (tốt hơn IR) hoặc IR (cho rẻ tiền)! Điều này vẫn thường xảy ra nên đừng ngạc nhiên khi gặp phản ứng như vậy. Trường hợp của em là thu hồi ligand nên mong cho Rf của ligand ban đầu và ligand thu hồi bằng nhau.

Câu 3: Có thể dùng bình cầu 1-2 L để cô quay không có vấn đề gì, đến khi cô gần cạn hết dung môi thì dùng pipet chuyển dung môi sang bình cầu nhỏ hơn khoảng 5-50 mL rồi cô cho đến cạn. Đoạn này em cũng chưa rõ, là khi chuyển qua bình 5-50mL thì cô quay hay cô cạn bằng phương pháp đun thông thường hay để bay hơi tự nhiên. Nếu cô quay thì cổ nối không vừa, vậy ta tiến hành nối cổ được không? Trả lời: Em đi ra thợ thủy tinh để đặt cái nối trung chuyển từ nối của máy cô quay xuống bình cầu mà em sẽ dùng. Hoặc mua loại có bán sẵn như trong link dưới đây. http://www.sigmaaldrich.com/Area_of_Interest/Equipment_Supplies__Books/Glassware_Catalog/Adapters__Reducing_Enlarging.html

Trong bài báo này em còn 1 đoạn nữa thắc mắc: … concentrated to afford the crude product contaminated by regioisomer 3B, diol, and benzamide. (cuối đoạn 1, trang 673).

Em không hiểu tại sao cô đặc thì sẽ loại được đối phân, diol chưa phản ứng và benzamide tạo thành. Nếu được anh giải thích giúp em cơ chế nha. Em cảm ơn anh.

Chắc em hiểu nhầm chữ contaminated nghĩa là nhiễm bẩn, ô uế… Có nghĩa là sản phẩm thô chứa tất cả các thứ trên bao gồm: đồng phân vị trí 3B (regioisomer: không phải là đối phân nhe!), diol và benzamide. Nên sau đó tác giả phải tinh chế bằng sắc ký cột silica gel, rửa giải bằng hệ dung ly1:1 EtOac-Hexane) hoặc bằng cách kết tinh lại trong EtOAc.

Regioselectivity: sự chọn lọc vùng, hay chọn lọc vị trí Regioisomer: là đồng phân sinh ra từ sự chọn lọc vùng phản ứng, có thể tạm dịch là đồng phân vị trí.

Em đang cần bài báo này để làm đề tài, nhờ các bro tìm giúp. Thanks.

On the timing of hydrolysis / reoxidation in the osmium-catalyzed asymmetric dihydroxylation of olefins using potassium ferricyanide as the reoxidant Tetrahedron Letters, Volume 32, Issue 32, 5 August 1991, Pages 3965-3968 Yasukazu Ogino, Hou Chen, Hoi-Lun Kwong and K. Barry Sharpless

Mặc dù bài báo chỉ giải thích cho phản ứng dihydroxylation nhưng em muốn áp dụng để giải thích cho phản ứng amino hydroxylation, nhờ các bro góp ý xem được không. Thanks.

PS: chữ reoxidation trong bài báo trên nên dịch nghĩa như thế nào?

Dihydroxylation

Áp dụng cho amino hydroxylation

Lì xì em bài báo!

em nghĩ nên dịch là “tái oxi hoá” :suytu ( theo em hiểu thì trong phản ứng AD kali feroxianua dùng làm tác nhân tái tạo osmi tetroxid, nên dịch thế cũng sát nghĩa. em đọc tài liệu viết từ năm 2001, nói rằng giáo sư Sharpless mới hoàn thiện 2 pư AD và AE, còn AA thì đang tiếp tục phát triển, anh tiger có tài liệu mới update về AA thì share cho em được ko ạ :smiley:

Một số tài liệu về Asymetric Aminohydroxylation (riêng bài H thì xem reference 146-147). Mình chỉ mới xem qua chứ chưa xem kĩ, có lẽ các bro cũng đọc qua rồi. Mong các bro chỉ giáo thêm ^^ Thân!

Nhờ các bro giúp đỡ

Thắc mắc khác: Trong bài báo sau http://www.compchem.hcmuns.edu.vn/chemvn/attachment.php?attachmentid=594 phần kết quả (cuối trang 673) có nói nhiệt độ nóng chảy và mở ngoặc (ethyl acetate), phần này em không hiểu. Phần phổ cộng hưởng từ hạt nhân NMR chỉ đo có 300 MHz với phổ proton và 75 MHz với phổ carbon, tại sao không dùng từ trường tối đa của máy? Tại sao phổ proton và carbon đo ở từ trường khác nhau? Trong phổ proton có mũi 5.12 (sym.m, 1H). Xin giải thích giúp em mũi này, là mũi bị chẻ nhiều lần và đối xứng, có phải mũi của amide (H gắn trên N)? Phần HPLC có ghi chiralcel AD, như vậy là sắc kí dùng ligand của phản ứng để tách chất? HPLC của 3A và 3B lần lượt có thời gian lưu là 8.20 và 7.72 phút, như vậy có tách được 2 chất này không? (Em không rành về sắc kí lắm :mohoi ( , mong các bro tận tình giúp đỡ :chaomung )