Xác định đường khử trong kẹo

Chào các anh chị.:24h_057:

Hiện tại em đang có vấn đề với phương pháp xác định hàm lượng đường khử trong các sản phẩm kẹo. Em có phương pháp xác định hàm lượng đường khử theo TCVN 4075:2009. Tuy nhiên em thấy phương pháp này hơi phức tạp. Kính hỏi các cao nhân có phương pháp nào tin cậy và đơn giản hơn không?:018:

Dưới đây là phương pháp theo TCVN 4075:2009: Chuẩn bị dung dịch mẫu thử: Dùng cân cân một lượng mẫu, chính xác đến 0,1 mg, sao cho trong 100 mL dung dịch mẫu thử có khoảng 0,5 g đường khử. Hòa tan phần mẫu thử bằng 100 mL nước ấm có nhiệt độ từ 60 – 70 %. Nếu mẫu không tan hết thì đun thêm 15 phút trên nồi cách thủy ở nhiệt độ 60oC đến 70oC. Chuyển toàn bộ dung dịch thử vào bình định mức dung tích 250 ml và tráng lại bằng nước (toàn bộ lượng nước trong bình khoảng 150 ml). Để dung dịch nguội đến nhiệt độ phòng. Để loại bỏ kết tủa những chất không phải là đường, thêm vào bình 10 ml dung dịch kẽm sulfat nếu khối lượng mẫu thử không lớn hơn 5 g hoặc 15 ml dung dịch kẽm sulfat nếu khối lượng mẫu thử lớn hơn 5 g. Lắc đều, rồi cho tiếp một thể tích dung dịch natri hydroxit 1M tương ứng với thể tích dung dịch natri hydroxit 1 M đã dùng để trung hòa thể tích dung dịch kẽm sulfat ở trên, sử dụng chất chỉ thị phenolphtalein trong một lần thử nghiệm riêng biệt. Lắc đều dung dịch trong bình và thêm nước đến vạch, lắc đều và để yên dung dịch 10 phút rồi lọc qua giấy lọc băng xanh khô, sạch. Loại bỏ phần dịch lọc ban đầu đã dùng để tráng rửa bình, thu được dung dịch mẫu thử. Xác định: Cho lần lượt 25 ml dung dịch Fehling A và 25 ml dung dịch Fehling B vào bình nón dung tích 250 ml, lắc đều. Thêm chính xác 25 ml dung dịch mẫu thử, lắc đều, đun sôi 3 phút trên bếp điện tính từ lúc bắt đầu sôi. Lấy ra để lắng kết tủa. Dung dịch trong bình phải có màu xanh đậm của đồng sulfat, nếu không phải thực hiện với lượng dung dịch mẫu thử ít hơn. Khi kết tủa đồng oxit đã lắng xuống, thì lọc gạn phần nước trên kết tủa trong bình nón vào phễu lọc, sử dụng bình hút lọc chân không. Cho nước đun sôi vào bình nón và tiếp tục lọc gạn cho đến khi nước trong bình nón hết kiềm tính. Trong khi lọc luôn giữ một lớp nước trên mặt kết tủa để tránh đồng oxit tiếp xúc với không khí. Cho vào bình nón khoảng 20 ml dung dịch sắt (III) sulfat để hòa tan kết tủa đồng oxit. Dùng đũa thủy tinh khuấy nhẹ cho tan hết kết tủa. Thay bình hút lọc trên bằng một bình hút lọc mới, chuyển dung dịch trong bình nón sang phễu, hút lọc và tráng bình nón và phễu vài lần bằng nước sôi. Tất cả đều hút lọc xuống bình. Lấy bình hút lọc ra rồi đem chuẩn độ ngay bằng dung dịch kali permangnat cho tới khi dung dịch chuyển màu. Xác định với mẫu trắng tương tự với mẫu thử, thay dung dịch mẫu thử bằng nước cất. Hàm lượng đường khử tính theo glucoza, biểu thị bằng phần trăm khối lượng:

X = (m1 x V1 x 100)/(m2 x V2 x 1000) Với m1 là khối lượng đường quy đổi theo bảng (mg) m2 là khối lượng mẫu(g) V1 là thể tích dung dịch mẫu thử (ml) V2 là thể tích dung dịch mẫu thử lấy để xác định (ml)