Là câu chuyện về chiếc áo dài Việt Nam và số phận một tình yêu, một gia đình trong thời chiến tranh loạn lạc, Áo lụa Hà Đông tôn vinh văn hóa Việt qua tà áo dài và những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam thông qua nhân vật một người con xa xứ.
Câu chuyện đời, chuyện tình của Dần với Gù được kể lại một cách chậm rãi. Lẩn khuất, ẩn hiện trong đó là hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam. Chiếc áo bảo bọc anh Gù khi anh còn đỏ hỏn, bị cha mẹ bỏ rơi dưới gốc đa. Chiếc áo thành sính lễ cho cô ở tên Dần nghèo khó. Chiếc áo che mặt cô dâu trong đêm hợp cẩn của một lễ cưới chỉ có đôi quả cau và miếng trầu cùng với nén hương lễ Phật trời, tổ tiên trong ngôi nhà hoang. Chiếc áo thành đồng phục học trò cho con đến lớp…
Những biến động của thời cuộc tác động đến Dần, Gù rồi cả gia đình họ về sau. Đâu đó trong phim khán giả cảm nhận được tình yêu thương con vô bờ bến của người mẹ và chút đầm ấm của một gia cảnh nghèo khó nhưng vẫn trìu mến với những bảo bọc và chăm sóc lẫn nhau.
Nhà làm phim thể hiện nhiều chăm chút trong từng thước phim với các góc máy lạ. Phim có nhiều hình ảnh của nông thôn Việt Nam: lũy tre, dòng sông, con đường làng, cánh đồng, ngõ vào làng… Một cảm giác thương nhớ trìu mến của mỗi người về làng quê Việt được đánh thức nhẹ nhàng khi xem phim. Và đây cũng là một trong những ấn tượng đẹp mà phim tạo ra cho khán giả…
Đâu đó, khi xem phim, có chút ngậm ngùi xót xa cho thân phận người nghèo trong buổi loạn lạc và khán giả chợt đắng lòng, đau đớn khi chứng kiến cảnh người mẹ phải làm vú nuôi cho một ông già để kiếm tiền mua áo dài cho con đến trường. Âm nhạc trong phim được một số khán giả khen là độc đáo và gây ấn tượng tốt.
Link phim online Loading...