Học Hóa (ở trường ĐHKH TN) ra trường làm gì?
Tôi xin trích dẫn một câu nói của PGS. TS. Dương Ái Phương tại một cuộc họp của các cán bộ trẻ của trường ĐHKH TN năm nay (không nhớ ngày): “Cử nhân của trường ĐHKHTN khi mới ra trường thì không biết làm gì cả, ra trường một thời gian thì cái gì cũng biết làm, mà còn làm rất tốt nữa kia”. Qua những quan sát của cá nhân tôi về các bậc tiền bối đi trước và các đàn em, tôi tán đồng câu nói của Thầy Phương. Theo tôi biết, các cựu sinh viên khoa Hóa ra đời thành công (rất lớn) trong rất nhiều lĩnh vực, vậy do đâu?
Nhiều sinh viên bâng khuâng tự hỏi và có khi hỏi tôi: em học ngành này không biết ra trường có tìm được việc làm hay không? hay “học chi cho nhiều, mai mốt ra trường đâu có sử dụng hết kiến thức?” hay “em học ngành này nhưng ra trường thấy ngành khác hay hơn, phù hợp với sở thích hơn, lương cao hơn, nhưng em còn băn khoăn thấy tiếc 4 năm học ở trường mà chưa quyết định có chọn ngành mới (mình thích, luơng cao…)”? Vậy là sao?
Tôi trả lời với những bạn đó (và cũng là ý nghĩ của tôi khi còn là sinh viên) là hãy cứ học đi, tìm hiểu thật nhiều, sao cho khi ra trường, đụng ngành nào có tuyển thì mình cũng phải biết làm mà phải là làm thật tốt, hồi còn là SV, tôi đã mua và đọc rất nhiều sách ứng dung ở các chuyên ngành khác nhau, tôi giúp các bạn cùng lớp, khác chuyên ngành về dịch thuật seminar, tôi giúp các đàn em lớp sau và coi đó như là cách bổ sung, củng cố kiến thức. Vì vậy tối có kiến thức khá vững (so với bạn đồng học) về cả 4 chuyên ngành và kể cả hóa sinh. Hồi nhỏ tôi ham đọc tự nhiên, vật lý, sinh vật học, khi vào trường tự nhiên, tôi nhận ra rằng mỗi một môn học như là phưong tiện để sờ tới một phần của con voi “tự nhiên”, các thầy cô làm chương trình sợ sinh viên rối rắm nên cắt nhỏ ra để dễ học, vậy mà chúng ta không biết tưởng các môn không có liên quan nhau nên không học theo cách để liên hệ với nhau. Vì vậy chúng ta tưởng sờ cả con voi “tự nhiên” qua một môn học mà thực ra chúng ta chỉ sờ hoặc tai voi, hoặc vòi voi…mà thôi, vì vậy kiến thức chúng ta què quặt, không ứng dụng được trong thực tế.
Tôi dạy các sinh viên của mình, thường hỏi về một vấn đề thực tế, các bạn không biết trả lời ra sao? khi trả lời, tôi phân tích rõ là kiến thức này từ hóa lý, kiến thức này từ vô cơ, kiến thức này từ hữu cơ, kiến thức này từ phân tích, kiến thức này bên địa chất, hay bên môi trường mà báo chí hôm qua có nêu. Các em nghe và hiểu hết, nhưng khi được hỏi là tại sao hiểu hết, học hết rồi mà không rả lời thì các bạn cười ngượng nghịu!.
Những điều tôi nói có nghĩa gì? Nghĩa là trên hết là phương pháp học, là cái nhìn của chúng ta về việc học, học đại học chúng ta không chỉ học cách tính pH, cách viết cơ chế phải ứng… mà phải biết cái ta học là cách tự duy, là phương pháp luận, là cách đặt ra và giải quyết vấn đề, nếu chỉ học kiến thức vụn vặt kia thì có lẽ chúng ta sống 1 tỷ năm cũng không sao học hết. Chính học phương pháp tư duy, vận dụng mà các cử nhân của ĐHKHTN thành công rất lớn trong nhiều lĩnh vực không phải là chuyên môn của họ.
trở về với băn khoăn của các SV là học xong có nên làm đúng chuyên ngành của mình hay không? nếu không sẽ uổng 4 năm học? Tôi trả lời rằng: tại sao bạn lại lấy 4 năm để quyết định cuộc đời còn lại của bạn? 4 năm học hóa ra đã giam giữ cả cuộc đời? Bạn hãy mạnh dạn làm nghề bạn thích, mà phải làm cho tốt, đóng góp cho bản thân, gia đình và xã hội là Ok rồi. 4 năm học kia chính là 4 năm học phương pháp, chứ một nhúm kiến thức vụn vặt kia có là bao so với kho tàng kiến thức dồ sộ của nhân loại. Nếu học hóa mà đi làm kinh tế hả!? thì học thêm kinh tế, tự đọc sách, học ban đêm… và khi làm kinh tế, bạn thành công vì bạn có kiến thức kinh tế, lẫn tư duy của ngành Hóa trong đó.
Vài dòng cho những người còn “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”.
(đây cũng là thơ đấy anh aqhl! heheheheh!)
Thân ái