Các bạn thân mến,
Tôi không cho rằng tác giả gốc của bài viết trên là sai, viết ra nhận xét toàn nghĩa đen. Cái gì cũng có cái lý của nó. Nếu trong văn học có phép tu từ lối ẩn dụ thì bài viết trên tuy đưa ra sự kiện minh chứng trong nghĩa đen nhưng lại bật ra cái ẩn ý của nó. Với các khả năng cảm thụ văn phong khác nhau, sẽ có những bạn như catuongms, thienbinh_dn83, kyuken, molti, horizon,ncaothach và nhiều bạn khác nữa đưa ra nhận định khác nhau. Cái tựa mà trathanh để trong thread là tôn trọng tác giả gốc. Việc tác giả bài báo đặt cái tựa này cũng hàm chứa sự châm biếm theo kiểu tự hỏi chính mình nhưng không phải là khẩu hiệu để kêu gọi loại bỏ.
Tôi không nói ai đúng ai sai, hay ai cực đoan thái quá ở đây, mà muốn chỉ ra cho các bạn thấy thêm những cái sâu sắc từ bài viết trên này.
Từ cổ chí kim, quy luật phát triển của con người, theo cổ học phương Đông đến tân học thực hành phương Tây đều công nhận rằng, con người cần tuân thủ sự phát triển trí tuệ theo hướng hoàn thiện nhân cách. Vậy, phát triển như thế nào, hoàn thiện nhân cách ra sao là câu hỏi nhưng có nhiều đáp án để vận dụng tùy theo từng bối cảnh xã hội, gia đình và các luật định ràng buộc.
Các tục ngữ mà tác giả nêu xuất phát từ thời phong kiến, lấy Nho giáo đạo Khổng làm kim chỉ nam cho con đường hướng đến chân thiên mỹ của con người. Điều này có nghĩa, những lễ giáo, phong tục ít chịu ảnh hưởng của vật chất cũng như không bị chi phối nhiều bởi yếu tố kinh tế như ngày nay.
Còn bây giờ, do chúng ta đang đứng trong một xã hội lấy nền kinh tế thị trường làm chủ đạo, việc hiểu những câu tục ngữ trong bối cảnh này có phần nào bị thay đổi. Nhiều người đã hiểu các tục ngữ này theo cái lối tiền bạc, so sánh lợi ích vật chất nhiều hơn là nhắm đến cái đích chân thiện mỹ. Kiểu như “không có thực sao vực được đạo”! Do hiểu như vậy, việc vận dụng các câu tục ngữ này cũng sai theo. Rồi cái nhìn của lớp thế hệ kế tiếp về nó cũng bị méo mó theo.
Để hiểu đúng, cần phải lấy cái câu “Tiên học Lễ, Hậu học Văn” lên làm đầu. Như vậy, tiếp theo mọi cái chúng ta sẽ rõ hơn khi đọc bài viết của tác giả. Vậy, nếu được phép biên tập bài viết của tác giả, tôi sẽ chuyển trình tự các tục ngữ bàn đến theo thứ tự như sau:
Nhất tự vi sư, bán tự vi sư ( Một chữ đã là thầy, nữa chữ cũng là thầy)
Hơn một chữ cũng là thầy
Không thầy đố mày làm nên
Trí – Đức- Thể -Mỹ
Học một biết mười
Ba câu đầu tiên hoàn toàn liên quan đến cái vế “Tiên học Lễ”. Từ trọng tâm là THẦY. Mối quan hệ TRÒ -LỄ-THẦY.Tác giả cảnh báo cho chúng ta vấn nạn “ hiểu sai về người THẦY” dẫn đến “làm LỄ không đúng”. Thế nào là THẤY? Có phải chỉ là những người đứng lớp, mang sắc phục của giáo viên, giảng viên, giáo sư thôi chăng? Do hiểu hạn hẹp, thực dụng như vậy, nên việc quá đề cao vai trò người làm chức nghề giáo là hiển nhiên và quên mất đi rằng trong xã hội ngày nay, còn có nhiều nhân tố-yếu tố khác cũng có mang tính chất như một người THẦY. Tác giả muốn nói đến việc thái hóa hình thức dẫn đến những biến tướng , méo mó trong những hành vi như quà cáp, học thêm, dạy thêm…mà quên đi cái yếu tố lễ nghĩa tự tấm lòng thể hiện qua sự kính trọng kiến thức được truyền thụ. Kính trọng kiến thức được truyền thụ bằng việc áp dụng nó thành công trong thực tiễn đem lại niềm tự hào, ích lợi chung thì đó mới chính là cái LỄ dành cho người THẦY. Buồn thay, cái đó ngày nay, ít có ai hiểu được như vậy. Lấy trường hợp gia đình tôi làm thí dụ. Tôi có đứa cháu bên nội nay đã lớp 7 rồi. Có lần tôi hỏi:”Sau nay con thích làm nghề gì? Nó bảo: “ Con thích làm cô giáo”. Nghe vui vui, tôi hỏi tiếp,”Thế tại sao con thích làm cô giáo?”. Cháu ngây ngô:”Vì làm cô giáo sẽ rất oai, gặp ai cũng cũng được chào dạ, tháng nào cũng dạy thêm có nhiều tiền, được nhiều quà ngày 20-11, được cha mẹ tới gửi gắm năn nỉ đã lắm!”. Nghe chưa hết câu, tôi đã xây xẩm mặt mày. Phải giải thích nhiều lần cho cháu hiểu những gì cháu thấy cũng như động viên ba mẹ cháu về việc bớt cho cháu học thêm và tặng quà, cháu dần thay đổi quan điểm. Bây giờ cháu bảo rằng “Con sẽ làm Cô giáo để chỉ cho trò đừng chết vì thiếu hiểu biết”. Cũng yên tâm hơn phần nào.
Cũng dễ thấy, bởi “ hiểu sai về người THẦY” dẫn đến thiếu sự kính trọng mà ngày nay lắm chuyện trò đánh thầy, phụ huynh chửi thầy chỉ bởi vì cho điểm kém. Điểm bị đem ra đấu giá như món hàng một cách tinh vi. Cho đi học thêm, quà cáp nhiều thì sẽ được điểm cao. Có đóng tiền trường đều đặn thì mới được xếp vào nhóm có thứ hạng học lực cao. Cá nhân tôi, chiều tối nào đi làm về cũng thấy cảnh các em cấp 2 bơ phờ. Đứa đeo balo, đứa xách cặp đứng vật vờ bên gốc phố chờ phụ huynh đón về sau buổi học thêm. Mà nào có phụ huynh nào tươi cười vui vẻ đón các em đâu. Tâm trạng đa phần căng thẳng vì đường xá, lo âu vì sinh nhai, nay bị áp lực về chuyện con cái học hành, sao mà vui cho nổi. Thế là rơi vào cái vòng lẫn quẩn của chuyện “ không thầy đố mày làm nên”. Khiếp!
Với câu hỏi, nhân tố -yếu tố nào khác cũng được hiểu là THẦY? Ba tôi vẫn thường nói “ SÁCH LÀ ÔNG THẦY CÂM – KINH NGHIỆM LÀ GIÁO SƯ NGHIÊM NHẤT”. Quả không sai tí nào. Ai dám bảo rằng Kỷ sư Trần Đại Nghĩa có những sáng chế rất Việt nam lại không từ kết quả tổng hợp của việc đọc sách. Ai dám bảo bác Nguyễn Cẩm Lũy, các chú Hai Lúa không học với Thầy mà thành công. Họ có đấy chứ, họ học từ ông THẦY Kinh Nghiệm qua bao lần thất bại xương máu. Mổi một trong chúng ta đều tự có ông thầy này. Biết rút kinh nghiệm chính là biết vâng lời THẦY. Biết chia sẽ kinh nghiệm là thể hiện sự kính trọng THẦY. Nhưng than ôi, mấy khi tôi thấy các bạn sinh viên ngày nay ít chịu vào thư viện đọc sách, đọc tài liệu. Nhiều bạn thích vào intenet để chat, tìm bạn tán gẫu nhiều hơn là ngồi yên trong thư viện. Ngoài đời, mấy khi các bạn chịu rút kinh nghiệm cho những lầm lỡ tai hại trong cuộc sống vật chất đầy thực dụng. Những ai đã rút chân ra khỏi vũng lầy của cuộc sống thì đều thừa nhận rằng “ Nếu như ngày đó tôi chịu nghe lời… biết rút kinh nghiệm…thì ngày nay đâu có như vầy đây”. Và một lần nữa, “Không thầy đố mày làm nên”. Oải!
Cái nhìn thực chất của bây giờ về cái LỄ với người THẦY đã bị méo mó đến vậy. Thì còn chuyện cách HỌC như thế nào? Hai câu tục ngữ được tác giả bàn đến ngụ ý phân tích giùm cho câu hỏi trên. HỌC là một quá trình đón nhận thông tin, phân tích và đi đến nhận thức về hành vi, ứng xử để xây dựng hoàn thiện một cá nhân con người. Học cũng có nhiều giai đoạn và độ khó khác nhau. Bốn chữ Trí – Đức- Thể -Mỹ là một cô động về ý nghĩa đó. Tác giả cho chúng ta thấy mối quan ngại về cái thực tế “trăm dâu đổ đầu tằm”. Nhà trường là nơi phải thế này, thế kia …sao cho học sinh , sinh viên đạt đến đủ 4 yếu tố trên. Chết thật! Đó là một quan điểm, chủ trương sai lầm. Trí – Đức- Thể -Mỹ không những được xây dựng ở trường mà nó còn được vun đắp trong xã hội-gia đình.Quan điểm “tôi đã đóng góp cho trường, trường phải lo cho con tôi “ đã đẩy cái gánh nặng đó cho nhà trường lo toan vất vả. Các em về nhà, như kiểu “ mèo vẫn hoàn mèo” thì làm sao đủ đạt như mục tiêu chung của không chỉ của giáo dục mà còn là của toàn xã hội. Cái này là một hiểu sai từ cấp quản lý giáo dục dẫn đến thông tin đại chúng sai gây ra những thực thi chung bị sai. Trí – Đức- Thể - Mỹ cần phải hiểu theo cấp độ hoàn thiện. Nếu là học sinh cấp một, tôi cần giúp các em nhiều về Tri để biết cái nào đúng, cái nào sai hơn là những yếu tố kia. Khi các em lên cấp 2, chúng ta cần hun đúc và rèn luyện các em về ĐỨC độ để sẵn sàng trở thành một người trưởng thành. Lên cấp 3, với những tố chất về Trí-Đức, các em cần được khổ luyện hơn để có thể đủ cái DŨNG bước vào xã hội. Và khi vào Đại học, các sinh viên là những con người vẫn còn phải rèn luyện tiếp tục 3 tố chất nói trên nhưng được hướng dẫn để tự biết cách hoàn thiện chính mình để đạt đến cái MỸ. Đặt sai tầm quan trọng của các yếu tố nói trên vào sai thời đoạn giáo dục bởi những nhân tố giáo dục không đúng sẽ dẫn đến hậu quả như đã nêu bởi tác giả. Trong quản lý tôi thường được nghe nhắc đến từ 3W -“ Wrong Place, Wrong Time, Wrong People”, có lẽ nó thể hiện đúng với hiện trạng thực thi mục tiêu giáo dục mà tác giả đang bàn. Nhà trường bị quá nhiều áp lực với mục tiêu thành tích này trong khi con em chúng ta thì “bạc nhược”- kiểu “ai đặt đâu ngồi nấy, ai chỉ gì thì làm thế” đúng sai không cần biết nhiều, sinh viên thấy tiêu cục không dám góp ý sợ bị điểm kém, sợ đấu tranh thì ”tránh đâu”. Còn nói chi đến người đi làm, các phụ huynh nữa…đành an phận cho qua! Nghĩ đến vai trò người lãnh đạo trong quản lý với 4 chữ Trí – Đức- Thể - Mỹ, chợt rùng mình! Liệu có đủ chưa đấy?
Cũng không có gì bất ngờ khi tác giả tự vấn nên chăng câu này đã lỗi thời với cái nhìn thực tại từ tác giả “Học một biết mười”. Đã không hiểu và vận dụng sai ý nghĩa sâu sắc bốn câu tục ngữ trên của người đời xưa thì việc không hiều đúng làm đúng theo câu này cũng là dễ hiểu thôi. Ngay trong diễn đàn này, tôi cũng đã nhiều lần nhắc nhở các kỹ sư cử nhân, thạc sĩ tương lai về cái cách hỏi, cách tìm tài liệu. Rất nhiều bạn rất thụ động, Chỉ chờ ai đó móm cho rồi nhận về chứ ít khi chịu đầu tư thêm và biết chia sẻ. Không trách các bạn ấy được hoài khi chúng ta nhìn thấy chúng ta đang chịu ảnh hưởng của những chủ trương thiếu tầm nhìn, lạc hậu về xây dựng phương pháp học và tư duy từ nhà trường, chỉ thích chạy theo thành tích. “Học một biết mười” mà ông bà ta nói đâu phải là chuyện biết vụn vãnh, tản mác mà là học cái căn cơ và biết dùng căn cơ đó để tìm tòi khám phái cái mới , rồi dùng cái căn cơ đó để chia sẽ và để nhận được vào những hiểu biết căn cơ mới. “Một” chính là “cái cần câu” để có được “mười” con cá. Một tình cảnh khác tôi từng gặp là chuyện một anh cử nhân quản trị mới tốt nghiệp không làm nổi một bài toán tính tối ưu giá thành. Khi hỏi, anh ta bảo ở trường đâu có dạy anh ta làm cái loại toán này. Coi tiếp, phát hiện ra anh ta đã học phương pháp thống kê, bài ví dụ mẫu về tính giá vốn tối thiểu có đưa ra sờ sờ đó nhưng anh ta không áp dụng được cách làm tương tự cho tính giá bán tối đa! La anh ta sao được khi thấy thằng cháu tôi được dạy ở trường phép cân bằng hóa học NaOH + HCl mà về nhà làm cân bằng phương trình Na2SO4 + HCl không được, lại còn bê nguyên xi bài toán đó vô diễn đàn hóa học hỏi. Chẳng khác nào “ Chú làm thầy, cháu bán sách”! Nếu hỏi tôi câu " Học một biết mười" này cần nói lại sao cho thực tế dễ hiều hơn , tôi sẽ mạn phép đề lại rằng " Học một vọc mười" thì may chăng mới có người chịu thực hành thực tế nhiều hơn sau khi học qua, làm qua một bài tập?
Tóm lại:
Nếu phê phán, thì không thể phê phán người đứng lớp giảng dạy mà nên phê phán người lãnh đạo, quản lý giáo dục. Bởi cái tầm nhìn, sự hiểu biết mối quan hệ xã hội- kinh tế- văn hóa -giáo dục còn hạn chế đã dẫn đến những chủ trương thiển cận đầy chủ quan, thậm chí sai lầm gây thiệt hại trong tư tưởng –nhân sinh quan của người học và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thiên chức và phong cách giảng dạy của người Thầy.
Nếu bạn là một giáo sinh tự hỏi mình rằng bạn học ra để làm gì đi. Nếu đơn thuần chỉ là đi dạy để kiếm sống thì nên kiếm cái gì đó khác làm nhiều tiền hơn đi. Nếu bạn có câu trả lời bằng hoặc tốt hơn đứa cháu của tôi thì tôi hy vọng bạn sẽ đóng góp nhiều hơn một giải pháp “giảm áp lực học thêm cho học sinh” , “giảm chuyện luyện thi thêm cho cuộc thi Học sinh giỏi”…thay vì phải chấp nhận nó khi bước lên đứng lớp sau này.
Nếu bạn là vị quản lý trong ngành, có vô tình ghé qua thăm tệ xá này, xin đừng vội nóng giận, đỏ mặt tía tai bấm nút “Shutdown” mà hãy thông cảm rằng, đây là sản phẩm của một người ra lò từ chính hệ thống quản lý này. Hãy đọc và suy ngẫm xem, liệu còn có giải pháp TỐI ƯU nào không trong con đường được cảnh báo là TỐI OM không?
Thân,
Teppi