Đây là chút kỷ niệm hồi mình làm luận văn tốt nghiệp, hy vọng nó giúp ích ít nhiều về cái gọi là “vững lý thuyết”.
Hồi đó, mình chọn đề tài về màu men từ các kim loại màu, đọc lý thuyết thì quá chừng quá đổi, vì mình bắt đầu từ con số 0 mà. Các thuật ngữ lạ lẫm. Hồi đó mình còn không biết frit là cái gì, còn đất sét thì cả trăm loại với những cái tên thật là … tương tự nhau, mình cứ nhầm suốt. Một trong những điều khó nhất của tôi là nhớ các kim loại nào, nung ở nhiệt độ bao nhiêu thì sẽ cho ra màu gì, các thông tin này không có sẵn ở một handbook nào đó, mà nằm rải rác ở các tài liệu, ví dụ đọc cuốn này, tôi biết ở làng nọ tạo được loại men xanh đặc trưng, mà sau này khoa học mới tìm ra là đất ở đó chứa khoáng Cu, đọc cuốn khác, tôi phát hiện tại sao tôi cũng nung với Cu mà lại ra màu đỏ gạch. Hoặc khi thực hiện với Fe, tôi không tài nào kiểm soát được màu sắc, vì còn phụ thuộc nồng độ, có khi nung với Fe, nhưng màu ra không xanh, cũng không đỏ, lại lấm tấm ánh kim màu đỏ tía. Tôi lập một bảng thống kê, nhưng nhớ thì không nhớ nổi, và mỗi khi thực nghiệm, hay mỗi khi trình bày với thầy, luôn phải mất thời gian lật sổ dò tìm.
Một ngày nọ, các bạn cùng phòng với tôi nảy ra ý định đặt nick name cho mỗi đứa, rồi tô màu lên một tấm gạch và đem nung. Bạn biết không, chỉ cần một ý kiến vui nho nhỏ như vậy, mà tôi đã lập cả dãy màu cho từng loại kim loại một, Fe, Mn, Co, Cu, Ag, … để có mẫu màu cho các bạn mình chọn. Chỉ đến lúc ấy, tôi mới thấy hứng thú với đề tài của mình. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ bạn nào chọn màu gì, và tôi vẫn biết màu xanh dương tím tuyệt đẹp rất dễ tạo, chỉ cần với một ít Co. Màu đỏ cổ đồng khó tạo hơn, vì nhiệt độ nung cao, nhưng ở nhiệt độ thấp, Cu tạo phức cho màu xanh lam rất đẹp. Fe cho màu xanh lục ở nhiệt độ và nồng độ thấp, cho màu đỏ gạch ở nhiệt độ cao. Mn cho màu tím ở các nhiệt độ… Điều thú vị nhất mà phải đọc đến cả chục cuốn sách tôi mới phát hiện ra được, đó là sáp. Nhờ vào phát hiện này, tôi mới có thể tạo chữ trên mặt gốm để nung. Các bạn tôi vào Word, chọn một font chữ thật đẹp (và đau khổ là nó thật cầu kỳ), chúng tôi phải vận dụng tất cả vốn khéo léo mà dân Vô Cơ sở hữu rất ít để cắt nó ra, rồi dán lên mặt gốm, dùng sáp bôi xung quanh, sau đó khéo léo gở các tấm chữ ra, để tô men vào đó. Thật là công phu, nhưng cũng thật đáng để công phu. Sáp giúp giữ lớp men khi tô cũng như khi nóng chảy không lem qua các phần mặt gốm khác. Kỹ thuật này rất đơn giản, nhưng không phải ai hay sách nào cũng sẵn lòng đề cập đến. Tôi không tự hào về bài luận của mình nhiều như về sản phẩm mà tôi đã tạo ra, và 4 tháng làm luận văn trở thành 4 tháng lung linh trong ký ức của tôi. Miếng gạch ấy, mặt dù đã bị rớt bể và trầy trụa, nhưng vẫn được gói cất kỹ đến tận bây giờ.