Sáng ngày 27/9/2010, lễ trao bằng thạc sĩ khóa 1 và khai giảng khóa 3 chuyên ngành “Vật liệu hữu cơ cấu trúc nano và độ bền vững” đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Lê Văn Thiêm, 19 Lê Thánh Tông. Đây là chương trình liên kết đào tạo giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN với Trường Đại học Nam Toulon-Var, Cộng hòa Pháp do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tài trợ.
Tham dự buổi lễ có Ông Eychenne – Tham tán khoa học, đại diện Đại sứ quán Pháp; Ông Garro – Giám đốc Văn phòng AUF Châu Á, Thái Bình Dương, đại diện Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF; Ông Nguyễn Thiện Toản – Đại diện Cục đào tạo với nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về phía Đại học Nam Toulon-Var có Ông Vernet – Chủ tịch danh dự; Ông Margaillan – Trưởng PTN MAPEIM; Ông Carriere – Trưởng khoa Hóa học, cùng đại diện một số giảng viên của trường. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có: PGS. TS. Bùi Duy Cam – Hiệu trưởng, Trưởng phòng SĐH, Trưởng phòng HC-ĐN, Ban Chủ nhiệm Khoa Hóa học, các giảng viên cùng các học viên khóa 1 và tân học viên khóa 3.
Khóa đào tạo thạc sĩ chuyên ngành “Vật liệu hữu cơ cấu trúc nano và độ bền vững” khóa 1 gồm 13 học viên, trong đó có tới 8 học viên được tiếp tục học tiến sĩ tại Châu Âu (Cộng hòa Pháp, Thụy Sỹ,…).
Ông Vernet là người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng mối quan hệ hợp tác đào tạo giữa 2 trường. Từ năm 1998, Toulon-Var đón nhận một số sinh viên ĐHKHTN đầu tiên sang Pháp đào tạo thạc sĩ. Đến năm 2008, với sự tài trợ của AUF, thay vì gửi sinh viên sang Pháp học thì các giảng viên từ Pháp đã sang Việt Nam giảng dạy trực tiếp theo chương trình của ĐH Toulon-Var. Đến nay, đề án đã đào tạo được 2 khóa và tiếp tục tuyển sinh khóa 3.
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Vernet nhấn mạnh: Sự hợp tác giữa Đại học Nam Toulon với ĐHKHTN hiện là lớn nhất trong hợp tác đào tạo của trường với Việt Nam. Khóa học master này phục vụ chính các bạn, tôi hi vọng các bạn sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp khoa học của mình.
Ông Eychenne đã chúc mừng các học viên tốt nghiệp khóa học cũng như các học viên đang tiếp tục được đào tạo tiến sĩ tại Pháp. Ông bày tỏ, các đồng nghiệp tại AUF đánh giá rất cao năng lực của các học viên cũng như sự thành công của đề án hợp tác và mong muốn, các học viên sẽ cùng với các nhà khoa học của 2 trường tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực vật liệu, nâng cao chất lượng đào tạo đạt trình độ quốc tế.
Theo PGS.TS. Bùi Duy Cam, thông qua đề án này sự hợp tác giữa 2 trường về đào tạo và nghiên cứu khoa học đã nâng lên một tầm cao mới. Bên cạnh việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, vào ngày 24/9/2010 vừa qua, tại ĐH Nam Toulon-Var (CH Pháp), ĐHKHTN và ĐH Nam Toulon-Var đã chính thức ký kết văn bản hợp tác đào tạo cử nhân Hóa học. Sinh viên tốt nghiệp chương trình này sẽ được cấp 2 bằng: 1 bằng của ĐHKHTN và 1 bằng của ĐH Nam Toulon-Var có giá trị tương đương với bằng cấp cho các sinh viên Pháp học tại trường Nam Toulon-Var.
Văn bản hợp tác về chương trình đào tạo thạc sĩ được ký vào ngày 23/9/2008, tại trường ĐHKHTN. Thay vì đào tạo trong 2 năm, khóa đào tạo thạc sĩ chuyên ngành “Vật liệu hữu cơ cấu trúc nano và độ bền vững” có thời gian là 1 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: học lý thuyết khoảng 200 giờ. Toàn bộ nội dung chương trình là của ĐH Toulon - Var và do các giáo sư của ĐH này kết hợp với ĐHKHTN giảng dạy. Giai đoạn 2: làm luận văn. Học viên sẽ được tạo điều kiện làm luận văn ở các phòng thí nghiệm thuộc nhiều trường ĐH nổi tiếng ở Pháp, ở châu Âu và Trường ĐH KHTN, hoặc liên kết thực hiện tại các tập đoàn, nhà máy của Pháp. Ngôn ngữ dạy và học trong chương trình bằng tiếng Pháp và có khoảng 10% bằng tiếng Anh Đại diện AUF cho biết, mỗi khóa học sẽ có 2-3 suất học bổng của AUF và học bổng do trường ĐH Toulon - Var tài trợ (bao gồm vé máy bay, bảo hiểm, học phí và chi phí ăn ở) trong khoảng thời gian từ 3-5 tháng làm luận văn tại Pháp. Ngoài ra, AUF còn hỗ trợ 1-2 suất học bổng (150 USD/tháng) cho các học viên Việt Nam từ miền Trung trở vào trong thời gian học tập. Sau khóa học, những học viên xuất sắc có cơ hội nhận học bổng nghiên cứu sinh của Tổ chức AUF, đại sứ quán Pháp, CNRS, chương trình 322 và nhiều phòng thí nghiệm khác tại Pháp cũng như Cộng đồng chung châu Âu. Để tham gia khóa học, thí sinh phải có bằng ĐH chính quy loại khá trở lên thuộc các ngành liên quan đến Hóa học và Khoa học vật liệu. Thí sinh phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ để nghe hiểu và giao tiếp với giảng viên. Sau lễ trao bằng thạc sĩ khóa 1 và khai giảng khóa 3, Trường ĐHKHTN kết hợp với ĐH Nam Toulon-Var tổ chức Hội thảo Việt - Pháp về “Vật liệu cấu trúc nano và ứng dụng” lần thứ nhất. Tham dự Hội thảo có đại diện Tổ chức Đại học Pháp ngữ, Đại sứ quán Pháp, các nhà khoa học đến từ Trường ĐHKHTN, ĐH Nam Toulon-Var và các Viện nghiên cứu, các trường đại học của Việt Nam và Pháp như: Công ty Clariant (CH Pháp), Viện ITIMS – ĐH Bách khoa, Viện Hóa học công nghiệp, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới,…