Kiến thức xã hội trước khi đi du học

Ngoài việc chuẩn bị kiến thức và chuyên môn thật chắc chắn trước khi lên đường du học (Đại học, Cao học hay Nghiên cứu sinh) thì kiến thức về vùng đất mà các bạn sẽ đến học tập: phong tục, tập quán, ẩm thực… cũng cần được chuẩn bị. Rất nhiều bạn du học sinh đã bị “shock văn hóa” khi đến học ở các nước Âu Mỹ; nơi mà ngoài việc học tập căng thẳng bạn còn rơi vào trạng thái cô độc “rất đáng sợ” đặc biệt với những người vốn luôn sống trong vòng tay yêu thương của gia đình hay những bạn kém ngoại ngữ hoặc nhút nhát hay đơn giản là với nhũng bạn có thói quen phải được nói chuyện hàng ngày với bạn bè.

Trong thời gian gần đây ở VN bắt đầu có xuất hiện nhiều tác phẩm của các thế hệ du học sinh đầu tiên từ các nước Âu Mỹ trở về (đa phần tuổi sinh sau 1975). Họ không chỉ thành công trong công việc chuyên môn mà góp phần truyền lại các kinh nghiệm sống cho đàn em.

Do vậy mình thấy các bạn nếu có thời gian nên đọc hai quyển sách rất thú vị: 1/ Oxford thương yêu. Không chỉ là một câu chuyện tình mà cuốn sách này còn cho ta biết nhiều điều về cuộc sống và tình cảm của những người đi học nơi xa. Không phải mọi điều đều màu hồng như ở nhà vẫn nghĩ.

2/ Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương Những trải nghiệm về văn hóa dưới cái nhìn của một nhà du lịch “Việt Nam ba lô”

Hai cuốn này đã được NXB Trẻ xuất bản ở VN rồi. Các bạn cũng có thể tìm thấy trên Tuoitreonline

Dưới đây mình giới thiệu một bài viết của một bạn đang học Master ở London viết về một số trải nghiệm của bạn ấy với cuộc sống ở London.

London không còn mù sương Bá Thùy

Trước khi sang London học, tôi cứ ngỡ sẽ thấy thành phố này mờ trong sương còn con người thì băng giá, không thân thiện. Tôi vốn nghiện đọc báo. Báo chí trong nước vốn bấy lâu nay vẫn viết London là thành phố sương mù, trong khi người dân Anh được miêu tả là lạnh lùng và không dễ mến. Có đến thực địa mới thấy không hoàn toàn là vậy. Ngày tôi lớ ngớ xách vali tới London không thấy sương đâu nhưng phát hiện ra rằng người Anh không đến nỗi khó gần. Trái lại, họ khá nồng hậu. Hôm đầu tới trường chưa rành đường đi lối lại, tôi hỏi han không biết bao nhiêu người. Ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn, kèm theo những nụ cười chúc may mắn khiến tôi ấm lòng, dù vẫn lo sẽ tới muộn buổi gặp mặt đầu tiên với thầy cô và bạn bè mới. Thời gian sau này tiếp xúc với nhiều người bản xứ khác, nhận định ban đầu của tôi về người địa phương khi mới đặt chân tới nước Anh vẫn không thay đổi. Gần một năm ở Anh, tôi nhiều lần muốn ngắm London trong sương. Cuối cùng cũng toại nguyện nhưng chỉ một hai lần được thấy thành phố chìm trong sương, dù cũng chỉ kéo dài vài tiếng buổi sớm mai, chứ không giăng mịt mờ như Sa Pa, nơi cũng được mệnh danh là “thành phố trong sương”. Dù sao, ở nơi xa Việt Nam, tôi cũng được trở lại cảm giác đi trên đường phố Hà Nội mờ ảo trong sương sớm. Có khác chăng là tôi ngồi trên xe buýt hai tầng màu đỏ để đến trường ở London chứ không phải đang phóng xe máy đến nơi làm việc ở thành phố quê nhà.

Hương vị Việt Lại bị “nhồi sọ” bởi các thông tin về sự đắt đỏ và khan hiếm đồ ăn thức uống Việt Nam, tôi vác theo hàng chục gói mỳ tôm, đủ mọi hương vị khác nhau sang London. Hàng chục gói canh ăn liền cũng có trong vali. Các loại gia vị khác nhau cũng được tôi thủ sẵn. Sau gần một năm ở đây, số canh khô tôi mang sang mới chỉ dùng hết một phần ba. Số còn lại có dấu hiệu bị mốc. Số gia vị đủ loại vẫn chưa dùng hết. Hóa ra sự chuẩn bị của tôi có phần lo xa quá. Tới London tôi mới biết, không thiếu đồ ăn thuần Việt ở thành phố này. Có một cộng đồng người Việt khoảng vài nghìn người ở London nên thượng vàng hạ cám cái gì cũng có. Thêm nữa, số dân gốc Trung Hoa ở London cũng đông đảo không kém nên có thể dễ dàng tìm kiếm hương vị châu Á trong các cửa hàng của người Trung Quốc cùng các sắc dân Á châu khác.

Đời sinh viên Sang London du học theo diện học bổng, nhưng tôi muốn sống theo kiểu thắt lưng buộc bụng một thời gian để nếm trải cuộc sống sinh viên nơi xứ người. London đắt đỏ, nhưng thành phố này cũng là nơi “thân thiện” với sinh viên. Tôi nghĩ một sinh viên bình thường có thể sống tốt ở nơi này, bởi lẽ có các loại cửa hàng và nơi mua sắm dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu. Chuỗi cửa hàng bán mọi đồ vật với giá 99 xu hay một bảng có mặt ở khắp nơi. Những chợ trời lớn cũng không hiếm gặp. Ở đó, một bảng có thể mua được một bát to rau củ quả. “One pound for a bowl” (một bảng một bát) là câu rao quen thuộc thường nghe thấy. Tôi biết nhiều người dân bản xứ, nhất là những người da màu, ở gần nơi tôi sống cũng chi tiêu tiết kiệm không kém sinh viên. London là thành phố quốc tế, thế nên tôi dễ dàng bắt gặp các sản vật của mọi nơi đổ về thành phố này. Thủ đô của nước Anh khá cởi mở đối với mọi xu hướng sống, nên dễ nhận thấy đây là nơi hội tụ của các sắc dân từ nhiều nơi trên thế giới. Đời sống văn hóa vì thế mà khá đa dạng. Tôi cũng được mở mang tầm mắt khi tham gia nhiều sự kiện ngoài trời ở nơi đây, mà phần lớn không thu tiền hoặc giảm giá cho sinh viên. Tôi luôn mong một ngày nào đó chứng kiến một lễ hội văn hóa do người Việt Nam tổ chức ở ngay quảng trường lớn Trafalgar Square.

Hai ngày hôm nay, London nổi gió, hơi trở lạnh và mưa. Mấy hôm trước trời còn nắng nóng. London là vậy, chợt mưa chợt nắng, ngúng nguẩy nhưng căng đầy sức sống như một cô gái 18 tuổi, khiến người khác phải nhớ thương khi rời xa.

Sốc văn hóa khi du học

Bài này lấy trên web tại: http://www.sunrisevietnam.com/index.phpoption=content&task=view&catid=340&id=1601&Itemid=450

Nhiều bạn trẻ đã gặp phải một số rắc rối nhất định trong việc hòa nhập với môi trường đa quốc tịch và đa văn hóa khi đi du học. Có bạn thì tỏ ra hoảng sợ vì những thứ “không bình thường” xung quanh mình. Có bạn thì cảm thấy khó hòa nhập với những lối cư xử quá mới hoặc ngôn ngữ từ các quốc gia khác nhau mà nó khác xa với những gì tưởng tượng trước đó. Triệu chứng này được biết đến dưới khái niệm “sốc văn hóa”.

Khái niệm “Sốc văn hóa” được đưa ra lần đầu tiên năm 1954 bởi nhà nhân loại học người Mỹ Kalvero Oberg (1901-1973). Theo đó, “Sốc văn hóa” là thuật ngữ dùng để miêu tả trạng thái lo lắng và cảm giác ngạc nhiên, rối loạn, bối rối… khi một người nào đó tiếp xúc với một môi trường xã hội hay văn hóa khác biệt, ví dụ như khi đi ra nước ngoài. Nó gây ra tình trạng khó hòa nhập trong môi trường mới và không biết nên làm gì cho phù hợp với hoàn cảnh. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, sốc văn hóa cũng có mặt tích cực của nó khi thôi thúc con người ta vượt qua khó khăn và rèn luyện bản thân nhiều hơn.

Du học sinh là những người chịu ảnh hưởng của sốc văn hóa khá nhiều bởi tuổi đời của họ còn trẻ và chưa có nhiều va chạm với các mối quan hệ trong cuộc sống. Khái niệm “sốc văn hóa” không chỉ được áp dụng với các du học sinh mà còn được áp dụng cho khách du lịch hay bất cứ ai di chuyển đến một môi trường văn hóa mới lạ và khác biệt với nền văn hóa đã thân thuộc trước đó. Ở một số nơi, sốc văn hóa còn được biết đến dưới khái niệm “va chạm văn hóa”.

Ở Mỹ và các nước phương Tây, trẻ em thường được cha mẹ tập cho tính tự lập từ bé. Đến tuổi thiếu niên hay thanh niên, nhiều người đã phải dọn ra ở riêng hay sống tự lập hoàn toàn. Còn ở Việt Nam, con cái có thể sống với cha mẹ từ bé cho đến khi học đại học và nhiều khi còn được bố mẹ nuôi cho đến hết thời kỳ đèn sách. Với sự bảo bọc của phụ huynh như vậy, không ít bạn đã bỡ ngỡ khi bước vào đời với bao điều mới lạ. Họ lại là những đối tượng có nguy cơ bị sốc văn hóa cao khi đi du học.

Bạn Cao Phương Thanh, người đã du học tại một trường đại học của Mỹ, nhận xét: “Sốc văn hóa có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với du học sinh Việt Nam và cả các du học sinh đến từ các nước khác. Đột nhiên các bạn sẽ cảm thấy rất choáng ngợp trước những gì đang diễn ra xung quanh mình. Trong những thứ mới lạ đó, điều hay ho đáng học hỏi cũng có, mà cạm bẫy đưa đẩy các bạn sa ngã cũng nhiều”. Trước cú sốc văn hóa, người ta có nhiều phản ứng khác nhau. Phương Thanh dẫn chứng rằng khi cuộc sống không còn bị kiểm soát như lúc ở quê nhà, nhiều bạn muốn thử qua tất cả những chuyện mình chưa bao giờ thử trong môi trường mới như nhậu nhẹt, nhảy nhót, hút chích, cúp học và “sống thử” với người yêu của mình. Tuy nhiên, cũng theo Phương Thanh, có bạn sẽ cảm thấy thật lạc lõng vì không thể hòa nhập được và ngày càng thu mình vào vỏ ốc của chính mình. Vì vậy, nhiều du học sinh do không thích ứng nổi với môi trường đa văn hóa mới lạ nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tiếp thu những kinh nghiệm và kiến thức từ môi trường mới.

Lý giải về tình trạng tự tách biệt bản thân này, bạn Lê Liêm, một sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học Bách khoa Bucharest (Rumani) nói: “Các sự khác biệt về văn hóa và trình độ ngoại ngữ kém khiến sinh viên Việt Nam ngại giao tiếp với sinh viên nước ngoài. Vì vậy, càng ngày họ càng ngại nhiều hơn và làm cho họ đã kém ngoại ngữ lại càng kém hơn”. Lê Liêm khuyên các du học sinh khác nên mạnh dạn giao tiếp với người nước ngoài bởi chỉ có như vậy các bạn mới tự tin hơn trong giao tiếp và hơn hết, đó là cơ hội quý giá mà chỉ khi ra nước ngoài bạn mới có được.

Những gì mà Phương Thanh và Lê Liêm vừa nói cũng là tình trạng chung của nhiều du học sinh Việt Nam khi mà các bạn chỉ quây quần trong nhóm đồng hương với nhau. Trường hợp của Nguyễn Đăng Tài, một sinh viên đang theo học tại trường Đại học Assumption (ABAC) của Thái Lan thì lại khác. Tài là điển hình cho du học sinh, anh rất chịu khó giao lưu với các sinh viên đến từ nước khác như Nhật, Thái Lan, Bangladesh… Tuy cũng có chơi với một vài người bạn Việt Nam nhưng Tài cũng không tránh khỏi việc bị các bạn cùng quê hương, những người ít giao lưu với các sinh viên nước ngoài, chê trách là “sính ngoại” và kỳ thị đồng hương.

Để khắc phục tình trạng sốc văn hóa, Tài khuyên các bạn sắp đi du học: “Bạn nên tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán và một số thông tin thiết yếu của nước mà bạn sắp đến. Có như vậy thì bạn sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn khi bắt gặp những điều không như mình tưởng tượng trước đó”. Tài cũng đưa ra ý kiến rằng chịu khó quảng bá văn hóa Việt Nam cho bạn bè quốc tế và tìm hiểu văn hóa nước bạn, còn gọi là sự trao đổi văn hóa, cũng là một cách hay để thấy rằng môi trường mới lạ mà mình đang đối mặt không có gì là đáng sợ cả. Phương Thanh thì cho rằng: “Để tránh các tác động xấu từ sốc văn hóa, mỗi du học sinh nên đặt ra mục tiêu sống của riêng mình, trong đó, mỗi bạn sẽ xác định rõ những giá trị văn hóa mà mình trân trọng và lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động của bản thân. Nhờ vậy, các bạn sẽ tránh được những ảnh hưởng xấu của môi trường mới khi bắt đầu cuộc sống xa nhà. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên khép mình hoàn toàn trước những nét văn hóa mới. Vì biết đâu trong những cái mới đó, mỗi chúng ta lại tìm thấy một giá trị sống thật hay để có thể bổ sung vào mục tiêu cuộc sống và làm cho cuộc sống của mình hoàn thiện hơn”. Trước những nét văn hóa mới có thể làm bạn sốc, hãy tạo ra cảm giác hào hứng khám phá cái mới để cảm giác sốc có thể giảm bớt. Nhưng hơn hết, đừng đánh mất những giá trị văn hóa của quê hương mà mình đang có.

Ồ, mấy người đi du học này viết hay ra phết, đúng là chúng ta cần phải đọc những cái này trước khi đi du học thật. Cám ơn bạn nhìu.

Trích từ Diễn đàn sinh viên VN du học tại Nantes - Pháp

http://aevn.fr/index.php?showtopic=2263&pid=10526&st=0&#entry10526

Du học nghĩa là :

[b]Đi du học có nghĩa là mỗi buổi sáng thức dậy tự hỏi mình đang ở đâu và sắp làm gì. Nhìn ra cửa sổ thấy sương lạnh buốt và biết mình có một ngày dài để chiến đấu. Nghe tiếng mình nhỏ nhẹ trong lòng, ráng lên nào, sống vì tương lai. Đi du học có nghĩa là trắng. Gió lạnh thổi tan nắng mỏng manh khiến da vàng cũng thành trắng xanh, trắng muốt. Và gió thổi bay cả những gân hồng ngọt ngào của một đất nước xa xôi, thổi khô nước mắt và lạnh trái tim.

Đi du học có nghĩa là nhìn theo cái vẫy tay xa xăm của bố sau lớp kiếng ngăn cách, là nụ cười và lời chúc của bạn tiễn đưa, là nước mắt của mình sau lớp chăn bông dày, là câu hứa năm sau gặp lại bật ra trên những đôi môi run, là thời gian rất dài…

Đi du học có nghĩa là tức tối khi muốn viết câu văn hay mà từ vựng lại nằm đâu đó quá xa trong cuốn từ điển dày cộm, là bực bội khi bài kiểm tra toán chỉ được 9,5/10, là mệt mỏi khi quyển sách lịch sử quá dày mà mắt đã đỏ vì thức khuya, là ngu ngơ tập phát âm thêm một thứ ngôn ngữ khác nữa ngoài tiếng Anh và tiếng Việt, là vụng về nhặt lưỡi dao lam lên hoàn thành một project cho lớp art, là một ngôi trường mới toanh với những luật lệ.

Đi du học có nghĩa là lớn lên. Lấy giấy tờ và đôi co vì một quyền lợi, nắm tương lai trong tay và tự đóng khuôn để đúc chính mình, rớt vào một mặt khác của trái đất, nhận thấy những điều mình hiểu lâu nay không đơn giản như mình hiểu, sợ hãi trước cuộc đời nhưng nôn nóng muốn đương đầu với nó.

Đi du học dù học bổng hay không thì bố mẹ vẫn vất vả, còn trước mặt mình lại là tương lai thênh thang. Má ấm lên giọt nước mắt, vì tình yêu bao la có nghĩa là hy sinh với nụ cười trên môi.

… Đi du học có nghĩa là tự hào. Tự hào thấy mình thay đổi, tự hào thấy mình đang lớn, tự hào vì mình được yêu thương.

Đi du học có nghĩa là tự hứa nhiều lắm. Tự hứa với mình, với người ta, với gia đình, với bạn bè. Tự hứa không được lãng phí những gì đã hy sinh. Tự hứa và tự gắng sức hoàn thành lời hứa. Đi du học có nghĩa là đi học ở xa, rất xa, rất rất xa.

Và một buổi sáng chủ nhật của một du học sinh, nghĩa là như thế đấy![/b]


::: tktung_master :::

Có Blog của đại sứ Anh ở Việt Nam - ông Mark KENT, viết bằng tiếng Việt dưới cái nhìn của người Anh http://blogs.fco.gov.uk/roller/kent/ Thân