MÚA Liên quan chặt chẽ tới sự phát triển của âm nhạc Mỹ hồi đầu thế kỷ XX là sự xuất hiện của một loại hình nghệ thuật mới, đặc trưng của nước Mỹ – múa hiện đại. Trong số những nhà cách tân đầu tiên có Isadora Duncan (1878-1927), người đã nhấn mạnh những chuyển động tự nhiên, không gò ép thay cho những tư thế của múa ba-lê cổ điển. Tuy nhiên, dòng phát triển chính xuất phát từ công ty múa của Ruth St. Denis (18781968) và người chồng đồng thời là cộng sự của bà, Ted Shawn (1891-1972). Học trò của bà là Doris Humphrey (1895-1958) đã hướng ra bên ngoài để tìm cảm hứng từ xã hội và sự xung đột của con người. Một học sinh khác của St. Denis là Martha Graham (1893-1991), người sở hữu một công ty đặt tại New York mà có lẽ đã trở thành công ty nổi tiếng nhất về múa hiện đại, đã tìm cách thể hiện một niềm đam mê hướng nội. Trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Graham có nhiều tác phẩm được sản sinh với sự cộng tác của các nhà soạn nhạc hàng đầu của nước Mỹ – ví dụ như bản “Mùa xuân ở Appalachia” cộng tác với Aaron Copland chẳng hạn. Những biên đạo múa về sau này đã tìm kiếm những phương pháp thể hiện mới. Merce Cunningham (1919-) đã đưa chuyển động ngẫu nhiên và ngẫu hứng vào trong các buổi biểu diễn. Alvin Ailey (1931- 1989) đã hợp nhất các yếu tố vũ đạo châu Phi và âm nhạc của ngƣưi da đen vào trong các tác phẩm của mình. Những biên đạo múa gần đây như Mark Morris (1956-) và Liz Lerman (1947- ) đã thách thức một quy ước là những vũ công phải mảnh dẻ và trẻ tuổi. Niềm tin của họ đã được đưa vào thực hiện trong những buổi tập và biểu diễn của họ. Họ tin rằng những động tác đẹp, duyên dáng không bị hạn chế bởi tuổi tác hay vóc người.
Vào đầu thế kỷ XX, vũ ba-lê cổ điển cũng được các công ty biểu diễn của các vũ công châu u giới thiệu đến khán giả Mỹ. Những đoàn vũ ba-lê đầu tiên của Mỹ được thành lập vào những năm 1930, khi mà các vũ công và các biên đạo múa cùng hợp sức với những người ham thích ba-lê có tầm nhìn xa như Lincoln Kirstein (1907-1996). Kirstein đã mời biên đạo múa người Nga là George Balanchine (1904-1983) tới Hoa Kỳ vào năm 1933, và hai người đã thành lập Trường Vũ Ba-lê Hoa Kỳ, sau này trở thành Trường Ba-lê Thành phố New York vào năm 1948. Ông bầu ba-lê kiêm nhà quảng cáo Richard Pleasant (1909-1961) đã sáng lập ra tổ chức ba-lê lớn thứ hai của Mỹ, Nhà hát Ba-lê Mỹ, vào năm 1940 với vũ công đồng thời là người bảo trợ Lucia Chase (1907-1986). Một điều nghịch lý là, những giám đốc người bản địa như Pleasant lại đưa những tác phẩm kinh điển của Nga vào trong danh mục biểu diễn của mình, trong khi Balanchine thì công bố rằng công ty Mỹ mới của ông được khẳng định dựa trên loại âm nhạc đặc biệt và những tác phẩm mới trong những cách biểu đạt cổ điển, chứ không phải trên vốn tiết mục chuẩn của quá khứ. Kể từ đó, tình hình vũ ba-lê ở Mỹ là một sự pha trộn của sự phục hồi vốn cổ và những tác phẩm độc đáo, được biên đạo bởi những cựu vũ công tài năng như Jerome Robbin (1918- ), Robert Joffrey (1930- 1988), Eliot Feld (1942- ), Arthur Mitchell (1934- ), và Mikhail Baryshnikov (1948- ).