Kế hoạch thế giới về nhà máy điện nhiệt hạch

Thông tin mới, kế hoạch năng lượng ITER đã chính thức được ký kết: ITER- International Thermonuclear Experimental Reactor

http://www3.vietnamnet.vn/thegioi/2006/11/636099/

Toàn bộ dự án có vốn trị giá 12.8 tỷ USD (10 tỷ euros) này sẽ xoay quanh lò phản ứng nhiệt hạch đặt tại Cadarache, phía NAM nước Pháp. Chi phí xây dựng lò là 4.57 tỷ euros và kéo dài trong 10 năm. Đây là kết quả của quá trình thương thảo dai dẳng về tài chính, công nghệ giữa các nước tham gia dự án. Các đối tác chiến lược bỏ tiền của và công nghệ cho dự án này là Cộng đồng châu Âu (đại diện bởi EURATOM), Nhật, Trung quốc, Hàn quốc, Nga, Mỹ và Ấn độ. Trong đó châu Âu và Nhật chi nhiều nhất và để đổi lại việc lò phản ứng được xây tại Cadarache chứ không phải ở Rokkasho thì tổng giám đốc dự án sẽ là người Nhật. Dự án được hy vọng sẽ bảo đảm việc làm cho 10.000 người trong các lĩnh vực liên quan.

Năm 1991 lò phản ứng nhiệt hạch JET đã được xây ở Culham, Oxfordshire nhưng quá trình vận hành nó cho thấy việc điều khiển pha plasma ở nhiệt độ cực cao là rất khó. Lò phản ứng ở Cadarache sẽ có công suất và thể tích gấp 10 lần và có thể coi là lò phản ứng dạng pilote. Phản ứng nhiệt hạch đòi hỏi nhỉệt đọ cực cao: tại Mặt trời nhờ lực trọng trường lớn nên nhiệt độ phản ứng là 10 triệu độ C, nhưng nếu ở Trái đất thì nhiệt độ cần thiết phải là 100 triệu độ C. Để giải quyết bài toán này thì các nhà khoa học phải nhốt pha plasma trong một từ trường. Với việc xây dựng lò thử nghiệm này người ta hy vọng trong 20 năm tới có thể nắm bắt công nghệ và xây dựng lò DEMO trước khi đưa ra sản phẩm côn nghệ đại trà. Nếu thành công các nhà khoa học hy vọng trong tương lai không xa loài người sẽ làm chủ được phản ứng nhiệt hạch và biến nó thành nguồn năng lượng vô tận nuôi sống thế giới.

Các bạn quan tâm về dự án này có thể tìm hiểu trên trang web chính thức của dự án là http://www.iter.org/

VN hiện nay cũng đang có kế hoạch xây nhà máy Điện hạt nhân, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Hiện nay địa điểm thuận lợi đã chọn xong tuy nhiên việc chọn công nghệ của nước nào vẫn đang còn phải bàn bạc. Các nước đang quan tâm và chào bán công nghệ cho VN gồm Mỹ, Pháp, Nga, Nhật, Hàn quốc. Tuy nhiên các nhà khoa học trong và ngoài nước đang khuyến cáo VN nên chọn nước nắm được đầy đủ công nghệ gốc ; theo tiêu chí này thì có lẽ chỉ có Mỹ, Nga, Pháp là được chọn.

Theo tính toán của các chuyên gia năng lượng, với mục tiêu năm 2020 phải đạt tiêu chí là một nước công nghiệp hoá và với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7-8%/năm thì điện năng phải tăng với tốc độ khoảng 12-14%/năm.

Mức độ huy động tối đa khả năng các nguồn năng lượng nội địa của VN tới năm 2020 có thể đạt 165 tỷ kWh, trong đó thuỷ điện sẽ chiếm 58 tỷ kWh, nhiệt điện khí 78 tỷ kWh, nhiệt điện than 37 tỷ kWh và các năng lượng mới (gió, mặt trời) 2 tỷ kWh. Theo dự báo thì khi đó nền kinh tế VN sẽ còn thiếu khoảng 36-65 tỷ kWh. Thực tế hiện nay, Việt Nam mỗi năm thiếu 2 ngàn MW công suất, nhu cầu điện năng tăng 13% mỗi năm.

Có thể giải quyết sự thiếu hụt bằng cách nhập khẩu điện (Lào, TQ) và than (TQ, Úc) nhưng đó không phải là phương án tối ưu nếu nhìn nhận từ góc độ an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững.

Do vậy, ngoài các nguồn năng lượng tái sinh như gió, mặt trời, năng lượng sinh khối…, phát triển điện hạt nhân là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các nước châu Á đã và đang đầu tư lớn cho điện hạt nhân. Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến tháng 5/2006 : Nhật Bản có 55 lò với tổng công suất 47.593 MW và 1 lò đang xây dựng, Hàn Quốc đã có 20 lò phản ứng đang vận hành với tổng công suất điện hạt nhân đạt 16.810 MW; Nga có 31 lò với tổng công suất 21.743 MW và 4 lò đang xây dựng; Ấn Độ đang vận hành 8 tổ máy. Trung Quốc đang vận hành 6 tổ máy và đang xây dựng thêm nhiều tổ máy mới (48,33 tỷ USD đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân từ nay tới năm 2020). Tính đến hết năm 2005, tỉ trọng ĐHN chiếm trong tổng sản lượng điện của Hàn Quốc là 44,7%; Nhật Bản 29,3%; Nga 15,8% và Pháp là 78,5%.

[i]Trên thế giới Pháp là nước có tới 78,5% lượng điện sản xuất từ điện hạt nhân, không những thỏa mãn nhu cầu điện quốc gia mà còn cho phép xuất khẩu. Đến nay, tổng số nhà máy điện hạt nhân của Pháp gồm 59 lò phản ứng được phân bố trên 19 địa điểm, với công suất tổng cộng là 63.363 MW.

Theo như dự kiến Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân vào khoảng năm 2020. Tuy nhiên khả năng chậm tiến độ là cao vì Việt Nam mới chỉ hoàn thành Dự án nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà máy đầu tiên và hiện vẫn chưa lựa chọn được công nghệ. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Nga thành lập một consortium gồm nhiều nước để làm việc với Việt Nam về Điện hạt nhân… sẽ có nhiều thuận lợi, vì huy động được nhiều vốn hơn, tạo mối quan hệ đa phương bền vững, lâu dài, để Việt Nam có thể lựa chọn điểm mạnh công nghệ của từng đối tác, kết hợp ưu điểm công nghệ riêng của nhiều nước khác nhau.

Theo quy trình thì sau khi chọn được công nghệ là giai đoạn nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu… Những công đoạn này phải mất vài năm; khi khởi công xây dựng thì phải mất 7 năm mới hoàn thành xong nhà máy. Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên xây dựng ở Việt Nam dự kiến sẽ đặt tại địa điểm thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) có tổng vốn đầu tư khoảng 3.400 triệu USD gồm 2 tổ máy với tổng công suất dự kiến 2.000 MW, khi đi vào hoạt động sẽ cho sản lượng điện từ 14-15 tỷ kWh/năm. Khả năng thu hồi vốn thường là khá nhanh; giá điện hạt nhân so với các nguồn điện khác trong nước sẽ cao hơn (ngang với giá nhập khẩu).

Cho đến nay cơ sở hạt nhân duy nhất của VN là lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được Mỹ xây dựng từ năm 1963. Công suất nhiệt ban đầu khoảng 250 KW, đến năm 1968 thì lò này hầu như không hoạt động. Năm 1981 lò được khôi phục theo công nghệ của Liên Xô và công suất cũng được nâng lên 500 Kw (họat động từ năm 1984 và hoạt động 1.200 giờ /năm). Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hoạt động liên tục 23 năm, hầu như không có sự cố gì phải dừng để sửa chữa như một số lò trong khu vực. Mặc dù công suất còn thấp, nhưng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã đảm bảo cung ứng chất phóng xạ cho phần lớn các bệnh viện trong cả nước, chất đánh dấu trong công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, nghiên cứu sa bồi ở các cảng… Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng là nơi bắt nguồn của công nghệ chiếu xạ, mà sản phẩm của nó là Nhà máy chiếu xạ Thủ Đức (TP.HCM). Đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tốt, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ lò phản ứng.

Hình: Nhà máy điện hạt nhân ở Catternom

Vừa qua lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã chính thức chuyển sang dùng nhiên liệu Uranium độ giàu thấp (Low-enriched uranium - LEU) với hàm lượng U235 gần 20% thay thế cho loại nhiên liệu sản xuất ở Nga, chứa hàm lượng U235 đến 36%, vốn thuộc uranium độ giàu cao (High-enriched uranium - HEU). Uranium giàu là nhiên liệu được sử dùng trong phần lớn các lò phản ứng hạt nhân ngược với khái niệm uranium nghèo. Các nhiên liệu có độ giàu cao (HEU), về mặt lý thuyết, có thể có nguy cơ lớn được khai thác để chế biến thành nhiên liệu cho vũ khí nguyên tử.

Kim loại uranium là kim loại nặng, màu trắng bạc, nhiệt độ nóng chảy 1133 độ C và nhiệt độ sôi là 3.500 độ C. Uranium gồm hai thành phần đồng vị chủ yếu, U-238 và U-235. Trong đó, U-238 chiếm hàm lượng áp đảo với 99,3%. Còn đồng vị U-235 chỉ chiếm 0,7%. U-235 hiếm và quý vì chỉ với U-235 mới xảy ra phản ứng phân hạch. Uranium tự nhiên tồn tại dưới dạng hỗn hợp ôxit urani U2O8 trong quặng pesơblin. Quặng này là nguyên liệu xuất phát để điều chế kim loại nguyên chất hoặc các hợp chất khác. Lượng Urani có trong quả đất tương đối ít, hàm lượng trung bình trong đất đá chỉ chiếm khoảng ba phần triệu. Trong phản ứng phân hạch, dưới tác dụng của nơtron, hạt nhân U -235 bị phân ra hai mảnh và toả ra một năng lượng lớn 200 MeV, đồng thời giải phóng 2-3 nơtron mới. Chính các nơtron này đã tạo nên phản ứng dây chuyền rất cần thiết để duy trì hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân hoặc tạo nên sự nổ của bom hạt nhân.

Vì vậy, phương pháp nâng cao hàm lượng U235 trong vật liệu uranium, đóng vai trò rất quan trọng trong công nghệ hạt nhân nâng cao hàm lượng U235 từ 0,72% (trong tự nhiên) lên 5, 10, 20, 30 … đến 80, 90% (dùng trong lò phản ứng), hoặc cao hơn 90% (dùng trong bom nguyên tử). Chính các sản phẩm uranium được tinh chế này gọi là uran giàu. Như vậy, tùy theo mức hàm lượng đồng vị U235, người ta phân loại thành: uranium nghèo (hàm lượng U235 bé hơn 0,72%), uranium tự nhiên (hàm lượng U235 cỡ 0,72%) và uranium giàu (hàm lượng U235 lớn hơn 0,72%, từ vài đến trên 90). Trong loại uranium giàu, còn chia ra: giàu thấp (Low-enriched uranium - LEU) và giàu cao (High-enriched uranium HEU).

Uran nghèo (depleted uranium - DU) là phế thải trong chu trình chế tạo nhiên liệu hạt nhân, nhưng không phải là thứ bỏ đi. Trong thực tế, uran nghèo vẫn có ích, được sử dụng trong một vài lĩnh vực nhờ vào các đặc tính hoá lý và cơ lý của nó: độ phóng xạ rất thấp, khối lượng riêng rất lớn và độ cứng khá cao. Dù vậy, giá trị của uran nghèo trên thị trường thường thấp. Về tác hại phóng xạ, theo IAEA kết luận Uranium nghèo (DU) gần như không làm tăng thêm phông bức xạ môi trường tạo nên bởi các chất phóng xạ tự nhiên tồn tại ở mọi nơi, trong đất đá, cây cỏ…Dựa vào những chứng cứ khoa học đáng tin cậy, không thấy mối liên hệ nào giữa việc tiếp xúc với DU và hiện tượng phát sinh các căn bệnh nguy hiểm như ung thư hay sút giảm sức khoẻ”.

Hiện nay, có nhiều phương pháp để làm giàu Uranium như: Tách đồng vị điện từ (Electromagnetic Isotope Separation), Khuyếch tán nhiệt (Thermal Diffusion), Khuyến tán khí (Gaseous Diffusion), Khí động học (Aerodynamic Processes), tách đồng vị La-de (Laser Isotope Separation), Trao đổi iôn và hoá học (Chemical and Ion Exchange), Tách Plasma (Plasma Separation) và Khí ly tâm (Gas Centrifuge). Phương pháp phổ biến để làm giàu Uranium hiện nay là phương pháp ly tâm (Iran hiện đang sử dụng phương pháp này). Về mặt nguyên tắc phương pháp ly tâm để tách đồng vị U 235 ra khỏi U-238 dựa trên sự khác nhau về lực ly tâm của các phân tử khí nhẹ và nặng hơn. Sự tách riêng bằng phương pháp ly tâm được thực hiện trong các xy lanh quay. Hổn hợp các phân tử các loại khác nhau khi đi vào các xy lanh quay được tách thành hai dòng. Những phân tử nặng hơn bị gạt ra vùng ngoại biên của máy ly tâm và chuyển động xuống dưới dọc theo thành ngoài, còn cũng những phân tử ấy nhưng nhẹ hơn thì bị đẩy vào phần trung tâm hướng lên trên dọc theo trục của máy ly tâm. Muốn đạt độ giàu U-235 càng cao và thu được khối lượng nhiên liệu lớn, cần có nhiều máy ly tâm, hàng nghìn và thậm chí hàng chục nghìn cỗ máy.

Tất cả các nhà máy hạt nhân đều cần xây gần sông lớh hay biển để đảm bảo Nguồn nước cho xây dựng và nguồn nước để giải nhiệt. Trong quá trình hoạt động nhà máy cần được giải nhiệt liên tục Lý do là nếu không đuợc tản nhiệt tốt thì lò phản ứng sẽ bị phá hủy. Ngay cả lúc lò không hoạt động, nhiệt lượng do tia phóng xạ tỏa ra cũng đủ làm nóng chảy vùng hoạt nếu không được tải nhiệt tốt.

VD : lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với công suất nhiệt 500 kW. Sau hơn 20 năm với hơn 25 nghìn giờ hoạt động ở công suất danh định, trong vùng hoạt của lò hiện đang tàng trữ một lượng phóng xạ vài trăm nghìn curi (1 curi tương đương 37 tỷ phân rã phóng xạ trong một giây). Một lò phản ứng điện hạt nhân công suất điện cao cỡ 1.000 MW thường có công suất nhiệt gấp ba lần lớn hơn lò nhỏ, nghĩa là sẽ gấp 6.000 lần mạnh hơn lò Đà Lạt. Lượng chất phóng xạ tỷ lệ với công suất nhiệt và thời gian ngâm thanh nhiên liệu trong lò, nghĩa là lên đến hàng trăm triệu curi. Từ đó có thể thấy sự khác biệt về quy mô an toàn hạt nhân giữa lò Đà Lạt với lò năng lượng của một nhà máy điện hạt nhân. Các tai nạn tệ hại nhất đã xảy ra ở hai nhà máy Three Mile Island, Mỹ, 1979 và Chernobyl, Liên Xô, 1986 đều là làm nóng chảy vùng hoạt chứa phóng xạ

Các nghiên cứu xung quanh đảm bảo an tòan lò phản ứng hạt nhân chú trọng khá nhiều đến kỹ thuật giải nhiệt. Ngoài các lò tản nhiệt nước như truyền thống, các lò sử dụng công nghệ đệm cuội đang được phát triển (do Rudolf Shulten đề xuất) dựa trên hai ý tưởng đột phá :

• dùng khí helium để tải nhiệt thay cho nước vì giúp tăng nhiệt độ lối vào tua bin (đến 700oC) để tăng hiệu suất chuyển hóa nhiệt năng, tiết kiệm nhiên liệu, tránh được các sự cố rò rỉ nước phóng xạ thường thấy ở một số lò tải nhiệt bằng nước, không làm rỉ và ăn mòn các thiết bị trong lò… • gộp chung nhiên liệu, vỏ nhốt nhiên liệu và chất làm chậm nơ tron vào một hạt cuội hình cầu như quả bi-a làm bằng silicon carbide (rắn chắc và chịu được nhiệt độ 2.000 độ C). Trong lõi hạt cuội có chứa 15.000 hạt uranium oxide, mỗi hạt được bọc bằng một lớp silicon carbide. VD : lò phản ứng 190 MW chứa 380.000 hạt cuội, mỗi hạt nặng 210 g trong đó có 9 g uranium. Với cấu trúc đệm cuội, lò phản ứng sẽ có tính an toàn nội tại bên cạnh các thiết bị ngoại vi được kích hoạt khi xảy ra sự cố, như trong các lò phổ dụng hiện nay. Khi nhiệt độ tăng lên quá mức bình thường, thí dụ do lưu lượng tải nhiệt không đủ, đồng vị uranium-238 trong hạt cuội sẽ hấp thụ nơtron mạnh hơn do hiệu ứng Doppler, làm giảm tức khắc tốc độ phản ứng dây chuyền, tựa như một chiếc phanh tự động.

Với các tính năng an toàn hơn hẳn các lò hiện nay, đặc biệt là khả năng nóng chảy vùng hoạt bị loại trừ hoàn toàn, lò đệm cuội không cần phải có boong-ke bao che nhà lò đãn đến tiết kiệm lớn về chi phí xây dựng. Tuy nhiên ám ảnh về tai nạn thảm khốc ở Chernobyl do thiếu boong-ke bảo vệ, và nguy cơ khủng bố vẫn làm cho nhiều người không an tâm, và chỉ trích gay gắt đặc điểm này.

Giới thiệu với các bạn bài viết mình tóm lược từ các thông tin phỏng ấn của G.S. Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn chiến lược và kinh tế công ty điện lực Pháp EDF về sự cố Tchernobyl

Một giờ 22 phút sáng ngày 26 tháng 04 năm 1986, một vụ nổ khủng khiếp đã làm vỡ tung lò phản ứng số 4 trung tâm điện hạt nhân Tchernobyl, thuộc nước cộng hoà Ukraina, Liên Xô cũ. Vào thời điểm đó, giám đốc trung tâm Tchernobyl đã cố tình che giấu thông tin và chỉ báo cho chính quyền trung ương ở Matxcơva rằng có hoả hoạn nhưng lò không bị nổ. Những đám mây bụi phóng xạ sau đó đã bao phủ bầu trời Ukraina và hai nước láng giềng là Nga và Belarus. Trôi theo chiều gió, đám mây chết người tràn sang một số nước ở châu Âu và thế giới. Cho đến nay, tức là 20 năm, sau khi xảy ra thảm hoạ, người ta vẫn chưa đánh giá hết hậu quả thảm khốc của vụ nổ lò nguyên tử Tchernobyl. Vậy điều gì đã xảy ra tại lò hạt nhân số bốn khi xảy ra vụ nổ. Nhà máy Tchernobyl gồm 4 lò RBMK, mỗi lò công suất 1000 MW (công suất của toàn bộ Thủy điện Hòa bình, lớn nhất Việt nam là 1920MW, của thủy điện Tam Hiệp lớn nhất thế giới khi hoàn thành sẽ là 18600MW).

Nhà máy Tchernobyl lấy tên Lénine, vào thời điểm xảy ra biến cố, có 4 lò phả ứng đang chạy. Lò số 5 và 6 đang được xây dựng. Trong dự án này, nhà máy Điện hạt nhân sẽ có 12 lò; tập trung tại một địa điểm nhiều lò như vậy là coi nhẹ vấn đề an toàn.

Vào lúc 13 giờ ngày 25-04-1986, đội ngũ khai thác hạ công suất lò số 4 để làm một thí nghiệm điện. Đây là Thí nghiệm điện không có gì khó chủ yếu là để xem liệu có thể cung cấp hệ thống làm lạnh tiếp cứu, bởi một trong 2 tổ máy phát điện, khi máy chạy chậm lại với lực quán tính. Mục đích là để có thêm 1 nguồn điện nũa khi cần thiết, trong lúc chờ đợi máy phát Diesel chạy.

Lúc 14 giờ : Theo yêu cầu của sở điện lực Kiev, chương trình thí nghiệm được dời đến 23 giờ 10 phút. Rất tiếc là nhân viên không áp dụng quy tắc căn bản, tách rời hệ thống làm lạnh tim lò và một số hiệu báo động. Họ hạ công suất xuống 500 MW nhiệt, là vùng trạng thái bất ổn định. Chất độc xénon tăng lên và thu hút neutron, ngăn cản phản ứng phân hạch trong lò.

1 giờ sáng ngày 26-04 : Lò tiếp tục bất ổn với công suất hạ xuống mức 200 MW nhiệt.

1 giờ 23 phút 40 giây : Giờ bất hạnh ! Nhà máy bắt đầu chấn động. Công suất chớp nhoáng của lò vượt quá cao! Zirconium xung quanh những thanh nhiên liệu hạt nhân ở trên 1000°C, đầy hơi nước tạo ra nhiều khí hydro. Nhiệt độ graphite tăng dữ dội. Tấm lát bảo vệ, nặng 700 tấn, nổ một lần với 2000 tấn bê tông của nắp đậy.

        Hệ thống làm lạnh tim bị đóng, khí hydro tập trung đến mức nguy kịch. Gần 192 tấn nhiên liệu hạt nhân bị nung chảy và bụi phóng xạ bắt đầu thải lên không trung. Kế tiếp, một tiếng nổ thứ hai lớn hơn, phá huỷ phần trên của lò và làm bay ra ngoài những mảnh tim vụn.

Theo ước tính của giới chuyên gia, lò số 4 ở Tchernobyl đã thải ra một khối lượng cực kì lớn chất đồng vị phóng xạ. Làn mây Tchernobyl gồm nhiều chất độc như : Uranium, Plutonium, Cesium, Iode, Strontium…Tác động của Tchernobyl ít nhất cũng bằng 130 lần Hiroshima và Nagasaki (2,4 tỷ tỷ Becquerel). Ngoài 3 nước Nga, Ukraina, Belarus, làn mây phóng xạ bay qua miền bắc Âu châu, Trung Quốc, Ấn Độ… Ở miền đông nam nước Pháp và ở Corse có 400 hồ sơ đang kiện tụng ; trong đó người ta chỉ trích chính quyền đã che giấu sự thật. Một số chi tiết cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ, mặc dù có nhiều báo cáo khoa học.Tiếng nổ đầu tiên có thể xem như do hạt nhân, tiếng nổ thứ 2 là do khí hydro. Trong suốt 10 ngày, hàng trăm tấn graphite (chất điều độ - modérateur) bị thiêu hủy, tiếp tục thải phóng xạ lên không gian.

• Trong những ngày đầu tiên sau khi xảy ra biến cố, nhiều đội trực thăng liên tục thả xuống khu lò biết cát, chì, đất sét, … với mục đích dập tắt hoả hoạn và ngăn chận bụi hạt nhân phát tán. Rất nhiều nhiều người đã được chính quyền huy động đến làm việc trong những điều kiện hết sức nguy hiểm vì phóng xạ quá nhiều và quá lớn. Những người anh hùng vô danh này phần lớn lâm bệnh tật suốt đời. Nhưng thành quả là hiện trường khu lò số 4 đã được bao phủ toàn bộ bằng một lớp vỏ bọc. Số người chết và bị nhiễm phóng xạ tăng nhanh sau đó vì chính quyền ra lệnh phải cấp tốc sửa chữa để cho hai lò 1 và 2 chạy trở lại vào tháng 10-1986. Một trong những công tác nguy hiểm khác là phải tách rời những bộ phận chung, liên quan đến hai lò 3 và 4 (khu phóng xạ mạnh). Ngoài ra do thiếu chuẩn bị phương án đề phòng thảm họa, bảo vệ dân chúng, và giấu giếm sự thật nên chính quyền đã mất rất nhiều thời giờ (36 tiếng) trước khi ra lệnh cho dân chúng di tản (49 ngàn dân thành phố Pripyat và 135 ngàn người trong khu vực 30 km xung quanh Tchernobyl).

Lớp vỏ (Sarcophage) số 1 theo thời gian bị hư hỏng nhiều nơi, diện tích bị rạn nứt gần 100 m2. Trong những năm sau đó, cộng đồng quốc tế đã tài trợ, giúp Ukraina xây dựng một lớp bọc, bao phủ toàn bộ khu lò số 4. Nói một cách nôm na là ủ kín để đấy. Theo giới chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tạm thời và nếu để lâu thì có nguy cơ chất phóng xạ ngấm xuống lòng đất, mạch nước ngầm. Để ngăn chận bụi hạt nhân phát tán với sự trợ giúp của cộng đồng Âu châu, một sarcophage thứ hai, 20 000 tấn, đồ sộ hơn nhiều, hình vòm cầu (arche), đã được hoàn thành trị giá 1 tỷ US dollars. Sarcophage 2 (hình vòm cầu- nhịp: 260m, cao : 108 m, dài 150 m) được xây cất cách xa khu lò số 4 khoảng 200 m và khi hoàn tất được đẩy trên 2 đường sắt đến bao trùm Sarcophage 1. Còn để tránh sự ô nhiễm nước uống, ảnh hưởng đến dây chuyền thực phẩm, một đường hầm được đào đến tận dưới tim lò số 4 để xây cất một chỗ thu nhận ( receptacle ) chất thải phóng xạ.

Theo cơ quan quốc tế nguyên tử ( AIEA ) và cơ quan y tế quốc tế ( OMS ), chỉ có 4000 người thiệt mạng. Hai cơ quan này không tính đến hàng trăm ngàn nạn nhân bị nhiễm nhẹ. Nhưng với thời gian, họ cũng có thể lâm bệnh nặng như ung thư leucémie, đặc biệt là cancer thyroide của trẻ con. Tại hội thảo quốc tế ở Paris tháng 4-2004, một cố vấn sứ quán Ukraina ở Pháp cho con số 3 triệu nạn nhân, phần lớn là thường dân bị lâm bệnh. Nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối AIEA về con số 4000 người tử nạn vì Tchernobyl. Greenpeace ước lượng cả thảy 93.000. Năm năm sau, 1 vụ nổ lớn trong nhà máy thuộc khu lò số 2 cũng đã diễn ra (có lẽ vì chập mạch điện) nhưng lò này được nhân viên kịp thời cho ngưng vận hành ngay.

Về sức mạnh của vụ nổ thì nhà máy Điện hạt nhân không thể nổ như bom nguyên tử. Thực tế bom nguyên tử dùng plutonium hoặc 235U rất giàu chứ không phải như lò phản ứng chỉ dùng 235U 3,5%. Tại Hiroshima (8h15 ngày 06-08-1945) quả bom U làm giàu (nặng 4,5 tấn, dài 3,5 m), sức công phá 14kilotonnes TNT làm 80 000 người tử nạn ngay, cả thảy 300 000 người tử nạn, 328 000 người còn sống sót. Tại Nagasaki (11h00 ngày 09-08-1945), quả bom Pu (nặng 5 tấn công suất 21kiloton. Hia quả bom này là kết quả của dự án Mahattan (có tới khoảng 150 000 người tham gia gồm nhiều nhà bác học (nhiều nguời có thưởng Nobel), các giáo sư, kỹ sư, kỹ nghệ gia, kỹ thuật gia với kinh phí khi đó là 2 tỷ US dollars.

Các bài học rút ra từ tai nạn Tchernobyl là :

         Bài học số 1 của Tchernobyl là một tiếng sấm cảnh cáo long trời lở đất đối với nhân loại, và đặc biệt đối với một số nhà cầm quyền lạm dụng hai chữ uy tín quốc gia mà che dấu sự thật, mặc kệ dân chúng đau khổ. Nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc đã diễn ra cũng vì nói dối.

        Bài học thứ 2 là trí thông minh của những nhà khoa học kỹ thuật có giới hạn đối với tạo hoá vô thường. Chúng ta phải hết sức khiêm tốn. Trong chớp nhoáng, tai biến thiên nhiên có thể xảy ra : nào là động đất, sóng thần, bão tố, lụt lội…. Một Tchernobyl khác có thể tái diễn chỉ do một chiếc máy bay khủng bố. Ngoài thảm họa Tchernobyl và Three Mile Island ở Mỹ năm 1979, còn nhiều tai nạn khác mà dư luận ít được biết. Lỗi một phần vì các nhân viên khai thác nhưng cũng vì công nghệ. Không có thế hệ lò nào có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối. Tai nạn Tchernobyl được xếp ở cấp 7, mức cao nhất của thang INES International Nuclear Event Scale). 

Người ta thường nói xác suất rủi ro tai nạn của một lò Điện Hạt Nhân rất thấp – chỉ 1 phần triệu (10-6). Nhưng các tai nạn Tchernobyl và Three Mile Island xảy ra lúc mà cả thế giới có dưới 300 lò. Một ví dụ là chơi xổ số với xác suất để trúng số độc chỉ là một phần 14 triệu, tuy rất khó nhưng trung bình mỗi tuần vẫn có người trúng.

Vì giá dầu tăng cao, sẽ có các cường quốc hy vọng sẽ bán nhiều lò cho những nước đang khát năng lượng như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác. Nhưng trữ lượng uranium rồi cũng có ngày khô cạn. Sau các cơn khủng hoảng dầu mỏ, sẽ có cơn khủng hoảng hạt nhân.

        Bài học thứ 3, là thế giới phải triệt để tiết kiệm năng lượng và khuyếch trương mạnh năng lượng tái tạo ngay từ bây giờ. Những nước chưa có nhà máy Điện hạt nhân có thể xem như đó là điều may mắn. Riêng ở nước ta, nếu nạn tham nhũng không chấm dứt, thì lại càng không nên xây lò.