Học PhD hay làm PhD?

Học PhD hay làm PhD?

Trước đây, khi trao đổi với TS Nguyễn Thanh Bình ( GĐ ĐHQG Tp HCM, nguyên phó chủ nhiệm bộ môn Polymer ĐH BK tpHCM) về vấn đề này. Ông cho biết, tại Pháp cũng như các nước khác, cái học vị Bachelor, Engineer, Master và PhD chỉ giúp phân biệt về năng lực lý thuyết và thực hành trên giấy tờ thôi. Trong thực tế, có sự phân cấp về vai trò và vị trí trong xã hội và nghề nghiệp cho những học vị này. Bachelor và Engineer là những người học và làm trong công việc mà mức độ cấu trúc lý thuyết và phạm vi thực hành đã có và rõ ràng. Master và PhD là những người học và làm trong những công việc mà mức độ hoặc hoàn toàn chưa khám phá tới, hoặc đã có cấu trúc lý thuyết rồi nhưng chưa xây dựng được phạm vi thực hành. Nói cách khác Bachelor và Engineer là những học vị dành cho mức thực hành ứng dụng, Master và PhD là những học vị dành cho mức thực hành nghiên cứu.

Lấy thí dụ, giáo sư trung học/cao đẳng, giám sát kỹ thuật, quản đốc xưởng là những vị trí rất cần những học vị cử nhân, kỹ sư. Họ là những người giúp duy trì sự truyền đạt kiến thức cơ sở, bảo đảm vận hành tốt và cải tiến năng suất một quy trình sản xuất. Kiến thức cơ sở và quy trình sản xuất là những cái đã có thành hệ thống, đã được xây dựng rõ ràng từ quy cách đến thao tác thực hành. Nắm vững và thực hành tốt những cái này là nhiệm vụ của các giáo sư, giám sát kỹ thuật, quản đốc xưởng.

Một ví dụ khác, nghiên cứu viên, nhà diễn thuyết, giáo sư ĐH, trưởng nhóm nghiên cứu, giám đốc dự án nghiên cứu, chủ nhiệm công trình nghiên cứu là những vị trí cần những học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Họ là những người nghiên cứu khảo sát khám phá tìm ra cái mới đồng thời tổng quát hóa để xây dựng hệ thống lý luận lý thuyết, kiểm nghiệm nó và tiếp tục xây dựng thành khung sườn hệ thống các ứng dụng từ nó. Một cách nôm na, đi tiên phong trong lĩnh vực mới từ lý thuyết đến thực hành là nhiệm vụ dành cho họ.

Thế thì chúng ta chọn hướng đi nào làm chủ đạo trong sự nghiệp của mình? Khi nào là chín muồi cho việc xác định hướng đi chính? Thực ra không khó để xác định. Chúng ta ai cũng phải trải qua giai đoạn được đào tạo theo chương trình cử nhân/ kỹ sư. Giai đoạn này là quá trình giúp chúng ta tự khám phá khả năng tư duy và đánh giá sự phù hợp về khả năng của mình trong bối cảnh công ăn việc làm của xã hội. Một khi nhận thấy rằng các tố chất của mình chưa đủ đáp ứng được những yêu cầu của người làm nghiên cứu cũng như hổ trợ tài chính thì người học nên chọn con đường thực tế và phù hợp hơn. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm và đạt đến mức lý luận tốt hơn, đồng thời có được hổ trợ tài chính, và cũng muốn có một công nhận học vị mới, người ta có thể tiếp tục đi tiếp lên thành PhD. Tuy nhiên, dù có hổ trợ tài chính nhưng vì kinh nghiệm và mức lý luận còn hạn chế, việc đi tiếp cần phải trải qua giai đoạn đào tạo để đạt mức Master trước khi đạt đến học vị PhD. Có thể nói, Master là mức học vị nhằm cho chúng ta biết rằng đây là người mới vào làm nghề “Nghiên cứu”. Nói cách khác, họ là những người học việc trong cái nghề “Nghiên cứu”. Như vậy, ở học vị PhD, những người này chính thức là những người làm cái nghề “Nghiên Cứu”. Nói ở mức vĩ mô, các hoạt động trong xã hội luôn có hai cấp : duy trì và phát triển, Không thể cứ duy trì mãi những cái gì đã biết, đã thành khuôn nếp vì nó sẽ lạc hậu. Càng cũng không thể cứ lo mãi chạy theo phát triển mà quên đi thực tại một nền tảng cần duy trì để tồn tại. Các nghề nghiệp/ vị trí công việc hình thành là nhằm đáp ứng cho hai cấp của các hoạt động trong xã hội. Không thể nói cái nào là quan trọng hơn cái nào. Cả hai đều đáng trân trọng và quan trọng. Tùy theo sự phát triển xã hội mà số lượng học vị cần có trong các ngành nghề cho hai cấp là khác nhau. Lấy bối cảnh trong xã hội chúng ta, việc hiện đại hóa và nâng cao chất lượng nghề nghiệp đòi hỏi chúng ta tiếp nhận cái mới nhiều hơn là đi tìm và làm ra cái mới. Ví dụ như các công nghệ mới, phương thức quản lý mới. Do đó, các chương trình đào tạo cố gắng đầu tư vào những ưu tiên cho các bậc đào tạo giúp hình thành nên thế hệ kỹ thuật viên, giám sát kỹ thuật, quản lý chất lượng, quản đốc phân xưởng, giám đốc kỹ thuật, giáo sư các bậc trung học/cao đẳng hơn là các master, PhD. Tuy nhiên, đứng ở gốc độ vi mô, nhu cầu về phát triển của con người không chỉ dừng lại hoài ở một mức nhận thức và lượng thông tin nhất định. Khi đạt đến một tiếng tăm nhất định, sự am hiểu nhất định, lượng kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp nhất định, việc đi tiếp lên học vị mới hay chuyển vị trí/ chuyển nghề là một điều tất yếu tiếp theo cho từng cá nhân trong quãng đường sự nghiệp tiếp theo. Chẳng hạn, công ty chổ bạn làm liên kết với một viện nghiên cứu đào tạo nào đó để thực hiện dự án nghiên cứu xây dựng ứng dụng công nghệ từ một lý thuyết, nhân cơ hội này, bạn đăng ký tham gia dự án dưới danh nghĩa là người làm nghiên cứu theo chương trình đào tạo phát triển ứng dụng mới. Việc tuyển dụng bạn vào làm dự án nghiên cứu đồng nghĩa với việc bạn đi làm PhD. Tức là có hợp đồng mới có trả lương hẳn hoi. Việc hoàn thành các chương trình đào tạo trong dự án đồng nghĩa với việc bạn học PhD, nghĩa là bạn được công nhận mức học vị này từ đối tác hẳn hoi. Đây là mô hình hoạt động chính yếu của các nước phương Tây nhằm thu hút năng lực tại chổ và kiếm hổ trợ tài chính cho các viện nghiên cứu –đào tạo hoặc trường ĐH. Một ví dụ khác, một quỹ tài chính được thành lập từ một nhà tài phiệt/ tỷ phú nhằm hổ trợ tài chính cho các trường ĐH hàng năm nhằm giúp họ phát triển thế hệ vật liệu mới. Các vật liệu mới này nằm trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng cho tập đoàn mà vị này làm chủ tịch. Bạn là người xin được học bổng từ Quỹ và là ứng viên đạt yêu cầu sau khi phỏng vấn bởi Giáo sư ĐH. Bạn không là nhân viên của công ty nhưng từ một trường ĐH. Bạn nhận học bổng có giá trị theo từng năm và công việc của bạn cần được báo cáo theo đúng kỳ hạn. Kết quả đó được giám sát và công nhận bởi chủ nhiệm công trình/ trưởng nhóm nghiên cứu. Học bổng được cấp cho bạn theo kết quả từng năm. Trường hợp này, bạn không có làm hợp đồng làm PhD nhưng bạn vẫn có học vị/ học bổng nếu kết quả đạt yêu cầu. Đây là mô hình thứ hai nhằm thu hút nhân tài nơi khác, lách thuế và giảm chi phí lương trong nghiên cứu phát triển của các tập đoàn thông qua hoạt động quỹ tài trợ cho các trường ĐH, viện nghiên cứu –đào tạo.

Nói tóm lại, học PhD hay làm PhD chỉ là ngữ cảnh. Đối với tôi, điều quan trọng là cần lượng sức mình để tránh bị ảo tưởng, vỡ mộng. “Làm cho hiện tại- học cho tương lai” luôn là cần thiết.