Chào gia đình CHEMVN,
Sau một thời gian tham gia diễn đàn, tôi thấy gia đình CHEMVN đang có một sự cố gắng đổi mới về nhiều mặt. Gia đình chúng ta đang thực hiện sự thay đổi trên phương diện truyền thông, nội dung và quản lý nhằm cố gắng kết nối sự quan tâm của những ai đam mê Hóa học với giới chuyên môn và những doanh nghiệp trong ngành Hóa.
Đây là một điều đáng quan tâm và chia xẻ. Chúng ta cùng học hỏi, trao đổi, chia xẻ và hổ trợ. Chúng ta đang thể hiện tinh thần gia đình CHEMVN- Kết nối những đam mê và thực tiễn.
Trong thời đoạn khó khăn nhiều mặt hiện nay, gia đình CHEMVN mong muốn không những là chổ dựa tinh thần, nguồn động viên của các thành viên trong gia đình mà còn là tiên phong trong phong trào “ Không để sinh viên nghèo nghỉ học”-“ Không để doanh nghiệp ngành Hóa lạc hậu”
Để có được điều này, CHEMVN đang xúc tiến việc xin phép UBND Tp HCM thành lập Quỹ khuyến học CHEMVN. Trong tháng này, khi thủ tục hoàn tất, chúng ta sẽ có một nơi để đóng góp cho mục tiêu trên. Mong là các thành viên trong gia đình CHEMVN có thể chung tay góp sức duy trì quỹ khuyến học để giúp đỡ lẫn nhau và vì những bạn còn kém may mắn hơn mình. Các doanh nghiệp khi vào đây, nếu có thấy Gia đình này là một nơi có nhiều hữu ích và đáng để ủng hộ, xin cùng trao đổi thêm với Ban quản trị. Ban quản trị thay mặt gia đình CHEMVN chân thành cảm ơn lòng hảo tâm của các vị.
Về cá nhân tôi, xin được có một đề xuất về nội dung diễn đàn hiện nay. Đa số các câu hỏi hay vấn đề đưa ra trên diễn đàn đề cập đến những kiến thức cơ bản, một số ít liên quan đến phương pháp nghiên cứu và vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, chúng ta thấy thiếu mảng nôi dung về tiêu chuẩn kỹ thuật đo. Qua tìm hiểu và khảo sát, tôi thấy rằng gần 80% các vấn đề gây tranh luận trong thông tin kỹ thuật và nghiên cứu liên quan đến Hóa là xuất phát từ phương pháp làm mẫu, lấy mấu và đo đạc. Các thắc mắc tôi thường gặp từ các bạn sinh viên đang làm luận văn tốt nghiệp hay từ các bạn mới ra trường đi làm và từ các vụ kiện tụng về kiểm nghiệm là hầu như liên quan xung quanh vấn đề này. Có bạn trao đổi riêng với tôi rằng “ Em không biết ASTM D638 là gì? “ Hay “ Có ai biết đo tỷ trọng của bột như thế nào không? Làm sao biết là cách này tin được?”… Hoặc có môt doanh nghiệp lao đao khi đột nhiên mình bị quy kết là gian lận thương mại từ một kết quả kiểm nghiệm của đơn vị khác. Phải mất đến hơn 3 tháng, họ mới biện hộ được dựa trên kết quả đo đi từ một phương pháp đo không có chuẩn. Tự hỏi chính mình, tôi cũng đã nhiều lần có cùng câu hỏi thắc mắc như các bạn vậy. Như vậy, có một nhu cầu rất lớn là tìm những phương pháp đo chuẩn để có tính thuyết phục hơn trong công việc, tác nghiệp và cho cả nghiên cứu. Dù rằng, nghiên cứu khoa học cũng có những phương pháp thực hiện “không giống ai”, nhưng đa phần cũng tựu trung theo một quy chuẩn để dễ tra cứu, kiểm chứng.
Do vậy, hy vọng với chỉ 20% nội dung mới từ box “Phương pháp – Tiêu chuẩn đo“ , diễn đàn sẽ thu hút đông đảo hơn sự quan tâm, trao đổi kinh nghiệm của mọi người. Nôi dung sẽ xoay quanh việc:
- Lựa chọn tiêu chuẩn đo thích hợp với mục đích kiểm nghiệm hay nghiên cứu.
- Tiêu chuẩn đo nào thích hợp cho công cụ thiết bị hiện có và ngược lại.
- Giải thích cách thực hiện theo tiêu chuẩn ( thuật ngữ, lấy mẫu, làm mẫu, đo, báo cáo kết quả)
- So sánh các tiêu chuẩn đo theo tiêu chí chất lượng và phạm vi ứng dụng
- Thông tin về tính hiệu lực, sửa đổi, kế thừa của các tiêu chuẩn đo
- Giới thiệu tiêu chuẩn đo mới, trao đổi kinh nghiệm về sử dụng tiêu chuẩn đo trong thẩm định, phản biện khoa học
Trong gia đình chúng ta, có ai bắt đầu đi làm ở các xí nghiệp hay đang làm tốt nghiệp chưa? Liệu các bạn có đồng tình với ý kiến trên không?