Đề Hoá Cao đẳng: Nên bỏ “câu hỏi rối” khỏi đề thi?
Cập nhật lúc 10h49" , ngày 20/07/2010 -
(VnMedia) - Một câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi môn Hoá Cao đẳng 2010 khiến nhiều giáo viên đưa ra 2 chọn lựa đáp án khác nhau. Khi ngay cả các giáo viên còn chưa có sự thống nhất thì việc gây bối rối cho học sinh là điều khó tránh. Chọn câu hỏi này vào đề thi là không hợp lý.
>> Sai sót trong đáp án môn Hoá cao đẳng?
Sau khi có ý kiến về đề thi Cao đẳng môn Hoá của thầy giáo Lê Phạm Thành, giáo viên trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, VnMedia đã liên hệ với nhiều nhà giáo uy tín trong bộ môn Hoá học.
Trao đổi về câu hỏi, điều thú vị là ngay các giáo viên cũng có những chọn lựa không giống nhau, cho thấy ý kiến về nội dung câu hỏi nêu ra không có sự thống nhất. Tuy nhiên, đa số các giáo viên đều có cùng quan điểm, đây là câu hỏi chưa rõ ràng, đề cập đến phần kiến thức chưa có sự thống nhất, cụ thể, nên tránh đưa vào đề thi.
Ảnh minh họa
Câu hỏi về “số amin thơm bậc 1” ứng với công thức phân tử C7H9N gây ra ý kiến khác nhau trong ngay giới chuyên môn
Thầy Đào Hữu Vinh, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội
Tôi chọn đáp án là 4, tức là C7H9N có 4 đồng phân thơm bậc 1. Bao gồm 3 đồng phân ở các vị trí ortho, para, metal-metyl anilin và 1 đồng phân ở liên kết mạch nhánh, tức benzylamin.
Benzylamin dù có liên kết CH2-NH2 ở mạch nhánh nhưng vẫn là amin thơm. Đáp án của Bộ GD-ĐT là chính xác.
Kỳ thực, câu câu hỏi chuẩn phải là “Số amin thơm bậc 1 chứa vòng benzen” thì không gây bối rối. Và như vậy sẽ thống nhất được đáp án.
Thầy Đặng Xuân Thư, Chủ nhiệm Khoa Hoá, ĐH Sư phạm Hà Nội
Có khả năng đáp án là 4.
Theo định nghĩa thì hợp chất thơm là hợp chất mà trong phân tử có chứa nhân thơm, tức là có chứa vòng benzen. Benzylamin có chứa vòng benzen do đó cũng là hợp chất thơm.
Vấn đề này trong SGK chưa đề cập cụ thể, rõ ràng nhưng có thể tìm hiểu thêm ở các sách tham khảo. Đối với nhiều thầy cô giảng dạy có kinh nghiệm, thì đều hiểu hợp chất thơm là có chứa nhân thơm.
Thầy Hoàng Giang, Trường THPT Chuyên Quang Trung, Bình Phước
Câu hỏi đề cập đến số amin thơm bậc 1. Amin thơm bậc 1 có 2 khái niệm.
“Bậc 1” là số nguyên tử hidro trong phân tử NH3 bị thay thế bởi gốc hidro-cacbon. Còn “thơm” là có vòng benzen. Như vậy, đáp án của Bộ GD-ĐT không sai, amin thơm bậc 1 có 4 đồng phân.
Theo quan điểm của tôi, chỉ cần có vòng benzen là “thơm”, không nhất thiết Nitơ phải gắn trực tiếp vào vòng. Trước nay tôi vẫn dạy học sinh theo khái niệm này.
Tôi có biết thầy Lê Phạm Thành và sau khi có đáp án của Bộ GD-ĐT, tôi và thầy Thành cũng có trao đổi với nhau xung quanh câu hỏi này.
Thầy Thành nói có nhiều ý đúng. Ngay trong SGK cũng không nói rõ ràng thế nào là amin thơm. Ngay trong giới chuyên môn cũng còn ý kiến đa dạng. Vì thế, đưa câu hỏi này vào đề thi không hợp lý.
Tuy nhiên, thầy Thành nói hơi quá và có thể ảnh hưởng đến người ra đề.
Thầy Vũ Văn Hợp, Tổ phó Tổ Hoá, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, NamĐịnh
Đặt câu hỏi là số amin thơm bậc một ứng với công thức phân tử C7H9N thì đáp án sẽ là 3. Nếu hỏi về hợp chất thơm, rượu thơm thì đáp án là 4.
Amin thơm có quy định riêng về đặc điểm cấu tạo. Cụ thể là trong cấu tạo của amin thơm thì Nitơ phải liên kết trực tiếp với vòng Benzen. Nếu liên kết ở nhánh như benzylamin sẽ gọi là amin béo.
Có thể người ra đề và đáp án không để ý. Amin thơm thì là hợp chất thơm. Nhưng hợp chất thơm chưa hẳn đã là amin thơm.
Trong trường hợp này, việc ra đề sẽ dễ vào tình trạng không rõ ràng, dễ hiểu. Câu hỏi và đáp án theo tôi là chưa hay.
Thầy Trần Xuân Phú, Tổ trưởng Tổ Hoá, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định
Theo quan điểm kiến thức ở bậc đại học thì C7H9N chỉ có 3 đồng phân ở các vị trí ortho, para, metal-metyl anilin. Nhưng ở bậc phổ thông, học sinh không được học đầy đủ, kỹ càng nên dễ hiểu lầm là benzylamin cũng là amin thơm, tức đa số các em sẽ chọn đáp án là 4.
Về khái niệm, “hợp chất X là admin bậc 1 và là dẫn xuất của benzen” thì sẽ có 4 hợp chất tương ứng với công thức phân tử C7H9N.
Nếu “hợp chất X là admin thơm bậc 1" (nghĩa là có nguyên tử Nitơ ở vòng benzen) thì chỉ có 3 hợp chất tương ứng.
Khái niệm thơm khá rộng nên ở bậc phổ thông không đề cập, coi như nằm ngoài chương trình. Đối với các thầy cô dạy chuyên và dạy sâu thì sẽ để ý dạy thêm và thích mở rộng thì mới nói.
Câu hỏi này đáng ra phải bỏ khỏi đề thi. Học sinh chọn đáp án là 3 hay 4 cho điểm hay không cho điểm cũng dở, vì khó dựa vào đâu để kết luận sai hay đúng. Tôi nghĩ để công bằng, khi chấm nên bỏ không cho điểm câu này.
Thầy Nguyễn Xuân Trường, Tổng Chủ biên Sách giáo khoa Ban Cơ bản
Đây là một vấn đề còn chưa có những ý kiến thống nhất. Đáp án có thể là 3 cũng được mà là 4 cũng không sai.
Kể ra theo định nghĩa về hợp chất thơm thì “hợp chất hữu cơ mà trong phân tử có chứa một hay nhiều nhân benzen thì đều là hợp chất thơm”. Tuy nhiên vẫn còn có quan điểm chưa thống nhất đối với trường hợp nhóm NH2 ở mạch nhánh.
Khi viết SGK, đối với những gì không rõ ràng thì chúng tôi né tránh. SGK đã né tránh, và các sách thảm khảo thì chưa đảm bảo chuẩn mực. Trên tinh thần ấy, sự ra đề thi này chưa thật chuẩn. Vì ra đề vào mảng kiến thức còn chưa thống nhất. Đối với phần kiến thức chưa rõ ràng, đáng lẽ nên lờ đi để không sa lầy vào đó, còn đi vào thì không tốt cho đề thi đại học – cao đẳng.
Với trường hợp này, có thể sẽ thiệt thòi cho học sinh vì đáp án khó thống nhất. Theo luật nếu chấm bằng máy thì cứ đúng đáp án mới được điểm, sai thì thôi chịu. Nếu chấm tay thì còn các thầy cô trong Hội đồng chấm thi còn có thể bàn bạc.
http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=196585&CatId=71