Chuyên mục bình luận- #1: Đừng quên định vị

Copy nguyên văn từ http://blogs.thesaigontimes.vn/khacxuyen/archive/2007/10/24/24.aspx#feedback

Một bài viết trình bày một quan điểm, lập luận, hoặc một bài viết về đề tài khoa học, nhưng tên tác giả lại không kèm theo bất cứ chức danh, bằng cấp hay đơn vị công tác nào. Bài viết giảm hẳn độ tin cậy, giá trị, vì người đọc không biết ai đang nói, những lập luận nêu ra có đáng tin cậy không, đáng tin đến mức nào. (Tất nhiên ở đây không nói đến những tác giả là nhân vật hay nhà khoa học đã quá nổi tiếng, coi như ai cũng biết).

Lại nữa, trong không ít bài viết của phóng viên, có những nhân vật được phóng viên trích lời nói điều này điều nọ mà người đọc không hề được thông tin người ấy đang làm (hoặc đã làm) công việc gì, ở đâu, quan hệ thế nào với vấn đề đang được bàn trong bài viết.

Cứ như từ trên trời rơi xuống. Người đọc thì tức anh ách, mà bài viết cũng giảm hẳn giá trị. Có ai đó - nếu tôi nhớ không lầm là tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện - đã viết trên TBKTSG (tôi không còn nhớ trên số báo nào) rằng người Việt Nam rất kém về định vị, về xác định “toạ độ” của một người hay một vật. Chẳng hạn, khi ta nói đến một hòn đảo nào đó ngoài khơi mà ít người biết thì cần nói toạ độ của hòn đảo, hoặc chí ít cho biết nó nằm cách một hòn đảo khác mà nhiều người biết bao xa, hoặc cách bờ biển nào đó bao xa, người đọc hoặc người nghe nhờ đó mới hình dung được hòn đảo đó nằm ở đâu.

Sự kém óc định vị đó là một nhược điểm trong tư duy và chính do nhược điểm (sự thiếu chính xác) trong tư duy này mà người Việt tỏ ra rất kém trong việc chỉ dẫn đường sá, địa danh (thể hiện rất rõ qua các bảng chỉ đường, chỉ hướng đi đến một địa danh nào đó trong các thành phố hoặc trên các quốc lộ, thậm chí trong sân bay quốc tế của Việt Nam). Trong hướng dẫn thủ tục hành chính, chỉ dẫn địa chỉ liên hệ để làm thủ tục ở các cơ quan công quyền cũng vậy. Người dân đến liên hệ chỉ còn biết mò, hoặc người sau hỏi người trước…

Về nhược điểm trong tư duy này, phóng viên cũng không ngoại lệ. Hai thí dụ dẫn ở đầu bài là những lỗi thường xuyên bắt gặp trong các bản thảo của phóng viên, thậm chí cả sau khi bài viết đã qua tay biên tập viên. Mặc dù hai từ “định vị” đang rất mốt, như khi người ta bàn về thương hiệu chẳng hạn, nhưng trong thực tế phóng viên thường rất hay quên “định vị” người hay vật được nhắc đến trong bài viết, khiến người đọc không thể hình dung được người (hoặc vật) được nhắc tới là ai (hoặc là cái gì), làm việc (hoặc nằm) ở đâu, có liên hệ thế nào với vấn đề đang được đề cập, từ đó người đọc không hiểu (hết) được ý nghĩa hoặc giá trị của người hoặc vật được nhắc tới trong mối liên hệ với vấn đề đang bàn.

Những ý tưởng, luận điểm của bài viết, vì vậy, thường giảm giá trị, giảm tính thuyết phục đi rất nhiều. Làm cách nào để khắc phục nhược điểm này ? Cách duy nhất, theo tôi, là rèn luyện tư duy khoa học và cả tư duy thực tiễn, là luôn nhớ đặt mọi người hoặc vật trong các mối quan hệ của người hoặc vật ấy, và nhất là luôn đặt mình vào vị trí của người đọc.

Phải luôn tự hỏi: người hoặc vật mà mình nhắc đến đây, độc giả có biết không?

Comments: Có lần về quê ăn Tết, tôi tặng má tôi tờ báo xuân. Bà đọc say mê một bài viết nói về một nông dân trồng nấm rơm từ rơm rạ ở một xã nào đó mà tôi không còn nhớ rõ ở Sóc Trăng. Má tôi bất ngờ hỏi: “cái xã này nó nằm ở xa Sài Gòn không con?”. Tôi giải thích với bà là Sóc Trăng khá xa Sài Gòn, đấy là một địa phương ở miền Tây, gần sát Cần Thơ. Bà nói là sao nhà báo không viết cái xã của ông nông dân đó cách Cần Thơ hay Sài Gòn bao xa, để những nông dân như bà, nếu muốn học hỏi kinh nghiệm thì nhân một chuyến đi nào đó có thể ghé thăm cách trồng nấm rơm.

Tôi thật sự bất ngờ trước câu hỏi ấy của bà và ngẫm lại mình cũng là một nhà báo,có khi nào tôi viết về một địa danh nào đó nhưng có định vị nó ở đâu không? Hoàn toàn không.

Tôi biết những người như má tôi rất nhiều và chắc chắn rằng không phải bạn đọc nào cũng biết huyện Lâm Hà cách Đà Lạt bao nhiêu kilomet, hay Trảng Bàng cách TPHCM bao xa, về hướng nào nhưng gần như trên tất cả các báo trong nước, hiếm khi thấy người ta định vị địa danh.

Hàng đêm, khi xem chương trình thời sự trong nước của Đài truyền hình Việt Nam, khi nói về địa phương hay sự kiện nào đó, gần như cô phát thanh viên chẳng bao giờ đọc địa phương ấy cách Hà Nội, Huế, Đà Nẵng-những địa danh nhiều người biết- bao xa. Thế nhưng khi xem tới phần thời sự quốc tế lại khác hẳn. Chẳng hạn một kẻ nào đó đánh bom ở Iraq, đài nước ngoài sẽ cho biết nó cách thủ đô của Iraq bao nhiêu kilomet về hướng bắc hay hướng nào đó.

Tôi có tham gia một vài khoá học ngắn hạn viết phóng sự, viết tin do một nhà báo người Pháp giảng dạy. Ông thường yêu cầu chúng tôi khi viết về một địa danh nào đó, phải định vị cho bạn đọc biết nếu địa danh đó không quá nổi tiếng. Rất tiếc tôi và các đồng nghiệp của tôi chẳng ai áp dụng vào thực tế khi tác nghiệp.

Tại sao? Tôi cũng từng mang câu hỏi này trao đổi với vài đồng nghiệp lúc “trà dư tửu hậu”. Người thì bảo hâm hay sao mà viết vào cho nó dài dòng, rồi đằng nào biên tập viên cũng cắt bỏ. Tuy nhiên đa phần vẫn cho rằng việc không định vị địa danh chủ yếu là do thói quen ăn sâu vào trong tiềm thức của phóng viên.

Bỏ một thói quen không dễ chút nào.

Liên quan đến chuyện “định vị” này, tôi thấy có vài quan điểm trái ngược nhau.

Báo chí Mỹ khi đăng các bài viết mang tính tham luận, ý kiến tranh luận về một vấn đề nào đó, họ (ban biên tập) thường giới thiệu người viết kiểu như “Ông Smith là một giáo sư về tâm thần học thuộc trường đại học ABC”, hay “Ông Keating là cựu bộ trưởng Bộ XYZ”. Còn với người không/chưa có chức vụ gì, thì họ có cách giới thiệu như “Bà Jones là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành tâm lí học tại đại học Heaven”. Những người chủ trương “định vị” cho rằng qui ước (có thể xem là “qui ước”) này giúp cho người đọc đánh giá độ tin cậy của bài viết và các ý kiến trong bài viết.

Nhưng cũng có ý kiến (và chủ trương của một số báo chí) cho rằng không cần phải ghi thêm mấy dòng như thế. Quan điểm này cho rằng vấn đề ở đây là ý kiến của người đó, chứ không phải cá nhân người đó là ai. Chúng ta đọc là đọc ý kiến của họ, chứ không đọc về cá nhân họ.

Còn đối với người đã có tên tuổi hay thường xuyên phát biểu thì việc giới thiệu như thế là không cần thiết. Chẳng hạn như chẳng cần ai giới thiệu ông Bill Clinton là ai, ngoại trừ trường hợp có một ông nào tên Bill Clinton (thật ra đã có) mà không phải là cựu tổng thống Mỹ.

Đứng về mặt lý trí và logic mà nói, quan điểm thứ hai hoàn toàn có lý, nhưng quan điểm thứ nhất cũng đôi khi cần thiết.

Tuy nhiên, sẵn đây xin bàn thêm về một “hiện tượng” tôi thấy khá phổ biến trong báo chí trong nước, kể cả TBKTSG: đó là mấy danh xưng sĩ sư trước tên tác giả, kiểu như “Giáo sư X”, “Tiến sĩ Y”, “Thạc sĩ Z”, hay thậm chí khôi hài hơn là “PhD Thiên” và “BS Đất”. Theo tôi không cần thiết phải đề mấy cái danh xưng này trước tên làm gì để tốn giấy mực. Mấy cái danh xưng như thế gieo một ấn tượng “áp lực” đến người đọc, hay làm xa rời người đọc, một cách phân biệt kiểu “chiếu trên chiếu dưới”.

Tất nhiên cũng có người đọc sẽ nói hay nghĩ “thằng cha này khoe bằng cấp, khoe chức danh”. Tôi thấy báo chí nước ngoài này rất ít khi nào ghi “Tiến sĩ”, “Thạc sĩ”, hay “Bác sĩ” trước tên tác giả. Có, nhưng ít lắm. Xin nói để các bạn biết rằng trong truyền thống y khoa Anh và Úc, các bác sĩ giải phẫu không thích được gọi là “Doctor” mà muốn gọi là “Mister”. Họ [ngầm] cho rằng Mister cao hơn Doctor, nên không muốn đứng chung hàng với Doctor!

Rất nhiều tập san khoa học cũng không có qui ước ghi chức danh và bằng cấp của tác giả. Tuy nhiên, qui ước này xuất phát từ vấn đề kinh tế, vì nếu mỗi tác giả đều ghi chức danh và bằng cấp thì tập san tốn khá nhiều giấy và mực mà đáng lẽ họ có thể tiết kiệm được hàng năm.

Cần nói thêm rằng ở một số nơi (như chỗ tôi làm việc chẳng hạn), họ có qui định khá gắt gao về chuyện này. Qui định rằng nếu tôi viết báo đại chúng, tôi không có quyền ký tên như là một người của viện hay của trường; và nếu tôi ký thì phải nói rõ những ý kiến trong bài là ý kiến cá nhân tôi, chứ không phải ý kiến của trường hay viện. Đó cũng chính là lý do tôi không sử dụng bất cứ cái danh vị gì phía sau hay trước tên mình (và tôi không phải nhọc công tốn sức phải ghi mấy dòng chữ gọi là “ý kiến cá nhân”).