Các detector thường dùng trong GC !

Hệ thống detector trong máy GC (gas chromatography) phát hiện khí thông qua tính chất vật lý hoặc hóa học đặc trưng của khí. Hiện nay trong máy GC sử dụng rất nhiều loại detector khác nhau về cấu tạo và nguyên tắc phát hiện. Tùy vào mục đích mà người ta sẽ xem xét, lựa chọn detector thích hợp nhất. Ở đây chúng ta chỉ sẽ điểm qua một số loại detector thông dụng nhất dùng trong GC: TCD (Thermal Conductivity Detector), FID (Flame Ionization Detector), ECD (Electron-Capture Detector) và PID (PhotoIonization Detector). Đầu tiên, cần xem xét các đặc điểm chính của detector.

  1. Các đặc trưng chính của detector

• Độ nhạy Để tiện lợi, detector được chia ra hai loại: detector truyền khối (mass flow detector) và detector nồng độ (concentration-sensitive detector). Detector truyền khối phát hiện khí theo lưu lượng khí đến detector (thể tích khí đến detector trong một đơn vị thời gian – ng/s), trong khi đó detector nồng độ cho kết quả xuất ra tỉ lệ thuận với nồng độ khí trong pha động (ví dụ ng/ml). Độ nhạy của một detector được định nghĩa là sự thay đổi của tín hiệu detector ứng với sự thay đổi của khối lượng hoặc nồng độ khí ra. Như vậy độ nhạy chính là hệ số góc của đồ thị biểu diễn tín hiệu xuất ra của đầu dò theo khối lượng hoặc thể tích khí phân tích.

• Dynamic range và Linear range Dynamic range là khoảng mà trong giới hạn đó, detector vẫn còn cho tín hiệu thay đổi đáng kể khi thay đổi khối lượng hoặc nồng độ của khí. Giới hạn phát hiện LoD chính là giới hạn dưới của dynamic range. Trong dynamic range, người ta lưu ý đến linear range, đây là khoảng mà trong đó tín hiệu xuất ra của đầu dò tỉ lệ thuận với khối lượng hoặc nồng độ khí phân tích. Linear range phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ cột sắc ký, nhiệt độ detector và lưu lượng dòng khí.

Dynamic range và linear range

• Độ chọn lọc Căn cứ theo độ chọn lọc, có thể chia detector trong GC thành hai loại: detector phổ biến (universal) và detector chọn lọc (selective). Detector phổ biến có thể nhận biết được tất cả các loại khí khác nhau thoát ra từ cột sắc ký, còn loại detector chọn lọc chỉ có thể cho phản ứng với một loại nguyên tố cụ thể nào đó có trong mẫu phân tích (ví dụ N, P…). Có thể ví dụ FID thường dùng để phân tích thành phần dầu lửa vì nó có thể cho tín hiệu các hydrocacbon ở nồng độ rất thấp, do vậy FID là detector chọn lọc đối với các hydrocacbon. Trong khi phân tích khí tự nhiên, nhiều khí (N2, CO…) không cho hoặc cho tín hiệu rất nhỏ khi dùng FID. Trong trường hợp này TCD thích hợp hơn vì nó có thể cho tín hiệu với tất cả các khí khác nhau. Do vậy TCD là một loại detector phổ biến.

Các detector thường gặp trong GC

(to be continued …)

  1. Thermal Conductivity Detector (TCD – detector dẫn nhiệt)

TCD là một detector phổ biến, không phá hủy mẫu được thiết kế lần đầu tiên vào những năm 80 của thế kỷ XIX và dùng rộng rãi trong phân tích khí đầu thế kỷ XX. Hiện nay với sự xuất hiện của các detector ion hóa với LoD thấp hơn, TCD chỉ còn được coi như là một loại detector dùng trong những phân tích đòi hỏi yêu cầu không cao. Tuy nhiên detector này rất có ích khi các detector khác cho kết quả không tốt, nhất là khi phân tích mẫu có chứa CS2, COS, H2S, SO2, CO, CO2, NO, NO2.

• Cấu tạo

Hình dạng của 1 TCD

Thiết kế các mạch điện trong TCD đơn giản hơn trong các detector khác. Tuy nhiên yêu cầu về chế tạo lại khá cao, đặc biệt là vấn đề ổn định nhiệt cho detector. Do đó tất cả các bộ phận của TCD đều được đặt trong một hộp kim loại kín và được giữ ở nhiệt độ lớn hơn cột sắc ký. TCD thường hoạt động với khí mang là H2 hoặc He do độ dẫn hai khí này cao hơn nhiều so với những khí còn lại. Thông thường một dây tóc xoắn sẽ được dùng thay cho một dây thẳng để tăng điện trở. Dây tóc thường được làm bằng Pt, W, Ni hoặc các hợp kim của Re và Ir. Một mạch cầu Wheatstone thường được sử dụng để cân bằng điện trở. R1 và R2 là hai điện trở với giá trị cố định, R3 là nơi mẫu khí đi vào và R4 là một biến trở so sánh. Tất cả giá trị điện trở đều bằng nhau nếu không có mẫu đi vào, và do đó không đo được sự thay đổi hiệu điện thế.

Sơ đồ mạch cầu Wheatstone sử dụng trong TCD

• Nguyên tắc làm việc

TCD hoạt động dựa trên nguyên tắc đo độ dẫn nhiệt của các khí khác nhau. Bình thường chỉ có khí mang là H2 hoặc He đi vào nên giá trị R3 ổn định, mạch cân bằng và ta không đo được sự khác nhau của hiệu điện thế. Mẫu khí thoát ra từ cột sắc ký sẽ được dẫn tới R3 trong detector. Do khí trong mẫu dẫn nhiệt kém hơn khí mang, do đó nhiệt độ của R3 sẽ giảm và do đó giá trị R3 cũng sẽ giảm theo công thức R = Ro (1 + αT) α hệ số nhiệt điện trở Ro điện trở tại 0oC Do R3 giảm nên mạch cầu không còn cân bằng, từ đó hiệu điện thế và dòng trong mạch sẽ được đo. Tùy vào tín hiệu điện ghi nhận được ở detector có thể tính toán ngược trở lại giá trị R3 và nhiệt độ tại R3, từ đó có thể biết được độ dẫn nhiệt λ theo phương trình

  1. Flame Ionization Detector (FID – Detector ion hóa bằng ngọn lửa)

Được Harley, McWilliam và Dewar chế tạo lần đầu tiên vào năm 1958. Kể từ đó FID trờ thành detector được sử dụng phổ biến nhất trong máy GC. Có nhiều nguyên nhân có thể giải thích được điều này. Đầu tiên, detector này hoạt động tốt với hầu hết các hợp chất hữu cơ với một độ nhạy cao. Tín hiệu không bị ảnh hưởng bởi những biến đổi vừa phải về nhiệt độ, áp suất và lưu lượng khí. Hơn nữa, FID không bị gây nhiễu bởi những tạp chất thường gặp như CO2 và hơi nước. Cuối cùng, khoảng tuyến tính của detector loại này rất rộng, có thể lên đến 107.

• Cấu tạo và nguyên tắc hoạt động

FID bao gồm một bộ phận có thể tạo ra ngọn lửa được đốt bằng hỗn hợp H2 – không khí. Khi mẫu chứa các hợp chất hữu cơ tới được ngọn lửa, trong môi trường giàu hydro này chúng sẽ bị chuyển thành các gốc tự do chứa một nguyên tử cacbon. Với sự hiện diện của oxy trong dòng khí, phản ứng sau sẽ xảy ra

CHO+ sẽ phản ứng tiếp với H2O được tạo thành trong ngọn lửa để cho ion hydronium

Chính ion này và những dạng (H2O)nH+ khác đến được điện cực, cho tín hiệu tỉ lệ thuận với lượng ion. Như vậy FID sẽ cho kết quả tỉ lệ thuận với số lượng cacbon có trong hợp chất thay vì tỉ lệ thuận với khối lượng hay số mol chất đến detector. Kích cỡ của ống dẫn (jet) tùy thuộc vào loại cột sắc ký và cách thức tiến hành, thông thường dao động từ 0.28 – 0.76mm.

Cấu tạo 1 FID

Lưu lượng khí đưa vào ảnh hưởng nhiều đến độ nhạy của detector, cũng như quyết định đến tỉ lệ khí mang/H2. Giá trị cực đại của lưu lượng và tỉ lệ này phụ thuộc vào khí mang nào sẽ được sử dụng. Thông thường, việc sử dụng N2 sẽ cho hiệu quả tốt. Cũng như đối với tất cả các detector khác được sử dụng trong GC, vấn đề điều khiển nhiệt độ trong FID rất quan trọng. Detector cần được bảo vệ kín và được nung nóng hơn một chút so với cột sắc ký để tránh trường hợp xảy ra sự ngưng tụ của mẫu khí khi lưu chuyển giữa các ống dẫn. Tuy nhiên cũng không được để cho detector quá nóng vì khi đó bề mặt rắn bị đốt nóng sẽ bức xạ electron và gây tín hiệu nhiễu.

• Các đặc điểm hoạt động của FID

Tín hiệu của detector sẽ bị ảnh hưởng bởi các dị nguyên tố như O, S và halogen có mặt trong hydrocacbon. Một điểm mạnh của FID là rất ít bị gây nhiễu bởi nhiều khí. Bảng sau đây cung cấp một số khí tiêu biểu.

Thuận lợi của FID là khoảng tuyến tính rất rộng, đến 10^7, LoD cũng rất nhỏ 10-13gC/s. Ở điều kiện hoạt động bình thường, những dòng cỡ 10^(-13)A đều được ghi lại. Một khuyết điểm của detector này là phá hủy mẫu, do vậy trong các hệ thống đa cấp, FID luôn luôn được sử dụng sau cùng. Để cải tiến detector loại này có thể phát hiện được các hợp chất vô cơ, thay vì đốt trong hỗn hợp H2 – không khí, người ta thay bằng hỗn hợp giàu H2 trộn lẫn với O2 và được gọi là HAFID (Hydrogen Atmosphere FID). Detector này cũng được dùng để phát hiện các hợp chất cơ kim chứa Fe, Sn, Pb, Mo, W…

LoD của 1 số khí khi sử dụng HAFID

(to be continued …)

  1. Electron-Capture Detector (ECD – Detector bắt electron)

ECD là đầu dò được dùng rộng rãi trong GC hiện nay, có lẽ chỉ đứng sau FID. Do có thể phát hiện đến picogam (10^(-12)g) và thậm chí có thể đến femptogam (10^(-15g)) trong một số trường hợp nên ECD được dùng nhiều trong phân tích môi trường và dược phẩm. Loại detector này được chế tạo lần đầu vào năm 1951. Năm 1958, Lovelock cải tiến và đề nghị lý thuyết “bắt electron”, theo đó các nguyên tố có độ âm điện lớn trong các hợp chất như halogen có thể bắt electron và tạo thành ion âm: CX + e- → CX- + Năng lượng

• Cấu tạo

Thiết kế ECD chỉ đơn giản gồm một buồng kín chứa hai điện cực và một nguồn phát bức xạ electron để ion hóa. Hình bên dưới trình bày hai kiểu thiết kế detector phổ biến hiện nay. Cấu tạo ở (a) gồm có anode và cathode được thiết kế đồng trục. Trong khi đó ở hình (b), nguồn bức xạ là một tấm mỏng, anode và cathode được thiết kế tạo thành hai mặt phẳng song song. Điều này tạo thuận lợi hơn khi dòng khí đi vào chuyển động ngược chiều với các hạt mang điện tích âm và do đó tạo sự va chạm, tiếp xúc tốt hơn. Trong ECD, nguồn bức xạ β- thường gặp nhất là 63Ni mặc dù thỉnh thoảng ta vẫn gặp T (tritium) được thương mại hóa. Tầm xa của bức xạ từ T chỉ khoảng 2mm, trong khi đó ở 63Ni là 8mm. Nhiệt độ hoạt động cao nhất của T và 63Ni lần lượt là 225 và 400oC. Giới hạn nhiệt độ dưới tùy thuộc vào các điều kiện của cột sắc ký. Nếu nhiệt độ quá thấp, các chất khí thoát ra từ cột sẽ ngưng tụ trên thành ống dẫn đến kết quả sai lệch. Detector sử dụng 63Ni có thể thường xuyên được lau chùi bằng cách vận hành ở nhiệt độ cao, khi đó các electron đóng vai trò “làm vệ sinh” cho detector.

Cấu tạo của ECD: (a) 2 điện cực đồng trục; (b) 2 điện cực song song

• Cơ chế hoạt động

Bình thường, dòng khí mang (hay sử dụng là N2) đi qua sẽ bị các electron bức xạ từ 63Ni ion hóa tạo nên các ion dương. Các ion và electron này di chuyển giữa hai điện cực và tạo thành dòng điện nền cân bằng Io. Khi trong dòng khí xuất hiện hợp chất có mang nguyên tử độ âm điện cao, nó sẽ bắt electron và phản ứng với các ion theo phương trình MX + e- → MX- MX- + N2+ → M + N2 Do đó, cường độ dòng sẽ giảm theo hàm I = Io/(1 + kC) và sẽ được detector ghi nhận.

• Các yếu tố ảnh hưởng

Phản ứng của electron với các phân tử hấp thu là phản ứng bậc hai, do đó phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ. Do đó kiểm soát nhiệt độ là một yêu cầu rất nghiêm ngặt. Thực tế, detector được giữ cố định ở một nhiệt độ (± 0.1oC) bởi vì số lượng và năng lượng của electron phát ra từ nguồn bức xạ, cơ chế hấp thu electron đều phụ thuộc mạnh vào nhiệt độ. Cơ chế hấp thu còn bị ảnh hưởng của chính bản chất của chất hấp thu. Để giảm thiểu các yếu tố không ổn định, điều kiện vận hành detector được kiểm soát chặt để đưa phản ứng hấp thu electron về phản ứng giả bậc một. Hiểu rõ cơ chế phản ứng mới có thể tiến hành tính toán nồng độ khí trong mẫu.

Ảnh hưởng của nhiệt độ đến tín hiệu đầu ra của ECD

Nhiều nghiên cứu đã cố gắng chế tạo ECD mà không sử dụng nguồn bức xạ β-. Một trong những cố gắng như vậy đã được đưa vào thương mại: PDECD (Pulse Discharge ECD).

  1. PhotoIonization Detector (PID – Detector ion hóa quang học)

PID sử dụng nguồn bức xạ UV để ion hóa mẫu, được Lovelock giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1960. Detector này cũng cho một khoảng tuyến tính rộng (107), đường nền ổn định và thấp. Hầu hết PID hiện nay đều sử dụng đèn chiếu UV để ion hóa, được sử dụng chủ yếu để phân tích các hợp chất thơm và có nối kép trong phân tử.

• Cấu tạo

Cấu tạo của PID

Bộ phận chính là một đèn UV công suất tùy vào mẫu cần phân tích, thông thường năng lượng UV nằm trong khoảng 8.3 – 11.7 eV. Buồng chiếu UV và buồng ion hóa cần được ngăn cách với nhau bằng một cửa sổ trong suốt, thường làm bằng thủy tinh hoặc thạch anh. Tuy nhiên khi sử dụng năng lượng cao, các tinh thể florua của kim loại kiềm và kiềm thổ lại được sử dụng nhiều hơn.

• Nguyên tắc hoạt động

Mẫu khí đi vào detector, nếu năng lượng ion hóa của chúng thấp hơn năng lượng tia UV chiếu xạ thì sẽ xảy ra quá trình ion hóa R + hν → R+ + e- Các ion này sẽ di chuyển tới điện cực và cho tín hiệu tỉ lệ thuận với số phân tử bị ion hóa. Tùy thuộc vào đèn UV sử dụng, ta sẽ có được độ chọn lọc thích hợp. Với những đèn năng lượng thấp sử dụng Kr hoặc Xe, độ chọn lọc sẽ cao hơn vì chúng chỉ có khả năng ion hóa một số ít các phân tử. Những đèn có năng lượng cao hơn như Ar hoặc H2 sẽ cho tín hiệu với một lượng khí lớn hơn. Tín hiệu thu được tử detector thỏa phương trình i = IoFησNlC

với Io thông lượng photon F hằng số Faraday η hiệu suất quá trình ion hóa N số Avogadro l quãng đường di chuyển của các ion C nồng độ các phân tử có thể bị ion hóa

(The end)

bài viết hay quá đúng là mình đang cần thông tin về mấy cái detetor này mà đọc tài liệu thấy khó hiểu quá trời! bạn post tiếp mấy phần còn lại nhá, nhất là phần xử lí mẫu, phần này là khó khăn nhất đó, À, mình còn muốn hỏi về cách tính độ không đảm bảo đo sau phân tích mà ko biết tìm tài liệu ở đâu? bạn có tài liệu ko cho mình với nha! thank!

Người ta có thể xử lý mẫu theo các phương pháp sau:

  1. Kỹ thuật tách và làm giàu sử dụng các phương pháp vật lý như: làm giàu lạnh, làm khô lạnh, chưng cất chân không, thẩm thấu ngược,lọc siêu âm,…
  2. Kỹ thuật tách và làm giàu sử dụng phương pháp chiết dung môi.
  3. Làm sạch mẫu bằng sắc ký lỏng- rắn.Các chất hấp phụ dùng trong quá trình làm sạch và làm giàu mẫu: silicagel, nhôm oxit, florisil,…
  4. Sử dụng chất nội chuẩn
  5. Kỹ thuật hấp phụ bề mặt dùng để làm giàu lượng vết từ dung dịch loãng như: phương pháp chiết pha rắn, phương pháp vi chiết pha rắn,… Bạn có thể tìm hiểu kỹ về các phương pháp này trong sách “Sắc ký khí- Cơ sở lý thuyết và khả năng ứng dụng” của nhà xuất bản DHQGHN. Cuốn này viết khá đầy đủ về sắc ký khí.

Về định lượng: bạn phải có chất chuẩn cần phân tích, sau đó lần lượt pha chất chuẩn ở các nồng độ khác nhau (3-4 nồng độ) rồi tiêm vào máy, tính diện tích mũi, dựng đồ thị tuyến tính nồng độ - diện tích mũi, sau đó chạy mẫu, lấy diện tích mẫu rồi thế vào phương trình đường thẳng của đồ thị để suy ra nồng độ mẫu.

Còn thêm nội chuẩn nữa chứ, nội chuẩn là chất gần như không thể thiếu trong phân tích sắc ký để gia tăng độ đúng và độ chính xác của phép phân tích. Phương pháp xử lý mẫu thì rất đa dạng và tùy thuộc vào tính chất của nền mẫu, chất phân tích và phương pháp phân tích nữa. Để làm việc có hiệu quả trong phương pháp này trước hết bạn nên làm đúng theo tiêu chuẩn, sau đó đọc thêm kiến thức đại cương về các tính chất của mẫu, chất phân tích và phương pháp, dần dần rồi bạn sẽ ngộ ra cách làm thế nào là tốt. Lý thuyết luôn luôn kết hợp với thực nghiệm mới tốt Thân ái

Mình thấy phương pháp nội chuẩn hiện giờ hay được sử dụng để định lượng trong phân tích sắc ký hơn phương pháp ngoại chuẩn.Bạn giotnuoctrongbienca có thể nói rõ cho mình biết ưu điểm của phương pháp nội chuẩn so với phương pháp ngoại chuẩn được ko? Thank you trước nha!

Em xin hỏi một số vấn đề về chất nội chuẩn: Trong qui trình phân tích chloramphenicol trong hải sản, tại sao chất nội chuẩn là chloramphenicol d5 mà không phải là phân tử chloramphenicol đã được thay thế hết toàn bộ H bằng D. 5H được thay thế là 5H nào? Nếu 5D này là 5D linh động thì nó có bị trao đổi với các H của dung môi trong quá trình chuẩn bị mẫu không? Nếu bị trao đổi thì như vậy việc định lượng không còn chính xác nữa? Một số qui trình (như 3-MCPD) không dùng chất chuẩn mà dùng acid hay baz có đương lượng đã biết, tại sao họ không dùng chất chuẩn mà dùng acid hay baz có nồng độ đã biết?

Ưu điểm dễ thấy nhất của nội chuẩn trong sắc ký khí là để triệt tiêu sự thay đổi của lượng mẫu vào cột sắc ký ở những lần tiêm lặp giữa dung dịch mẫu và dung dịch chuẩn. Cụ thể hơn khi phân tích mẫu, bạn phải dựng đường chuẩn và mỗi dung dịch phân tích nên tiêm lặp một vài lần để lấy giá trị trung bình. Thể tích mỗi lần tiêm (về nguyên tắc) phải đuợc kiểm soát giống nhau (thuờng là một giá trị nhất định) ví dụ 1 µL. Vấn đề quan trọng là thể tích mỗi lần tiêm phải ĐÚNG 1µL, nhưng thường thao tác của phân tích viên không hoàn hảo đến vậy và cũng vì các quá trình diễn ra trong injector có thể không lặp lại nên lượng mẫu vào cột khác nhau –> tín hiệu phân tich khác nhau. Như vậy đuờng chuẩn có dung sai lớn, và mẫu cũng vậy. Hai dung sai này gộp lại sẽ gây ra sai số hệ thống khá lớn. Nếu dùng nội chuẩn, phải có quy cách chọn nội chuẩn phù hợp (tham khảo thêm trong các tài liệu khác). Về nguyên tắc thì nội chuẩn và chất phân tích nên có hóa lý tính giống nhau (lý tưởng nhất là dùng các đồng vị khác nhau như tigerchem đề cập bên trên. Trong sắc ký khí thì nội chuẩn và chất phân tích có nhiệt độ sôi gần nhau (dĩ nhiên là tín hiệu phân tích của mẫu và nội chuẩn phải tách biệt nhau). Như vậy nội chuẩn và chất phân tích sẽ hành xử tương tự nhau trong mỗi mũi tiêm và trong hệ thống sắc ký. Phương pháp đường chuẩn ngoại chuẩn và nội chuẩn đều dùng chất chuẩn (chính là chất phân tích tinh khiết ở các nồng độ khác nhau). Hai phương pháp này chỉ khác nhau ở chỗ có sử dụng chất nội chuẩn (không là chất phân tích nhưng có các tính chất tương dồng với chất phân tích) hay không mà thôi. Khi thực hiện chuẩn bị mẫu và đuờng chuẩn thì điều quan trọng nhất là nồng độ nội chuẩn trong TẤT CẢ CÁC DUNG DỊCH PHÂN TÍCH (DUNG DỊCH ĐƯỜNG CHUẨN VÀ DUNG DỊCH MẪU) PHẢI BẰNG NHAU, và nồng độ nội chuẩn đuợc tính toán thế nào để cho tín hiệu phân tích nằm giữa đuờng chuẩn (giảm thiểu sai số). Khi tính toán kết quả thì phương pháp ngoại chuẩn sử dụng đuờng chuẩn I = f(C) hay I = f(m) với trong đó I là tín hiệu phân tích của chuẩn, C là nồng độ chất phân tích, m là khối luợng chất phân tích trong 1 lần tiêm còn đối với phương pháp nội chuẩn thì đuờng chuẩn là (Ichuẩn/Inội chuẩn) = f(C) hay (Ichuẩn/Inội chuẩn) = f(m).Đường chuẩn dựa trên khối luợng có vẻ tốt hơn là đuờng chuẩn dựa trên nồng độ.

Tigerchem hỏi về nội chuẩn trong phân tích chloramphenicol, sử dụng nội chuẩn d-5 mà không sử dụng nội chuẩn có tất cả các H đuợc thay thế bằng D. Về nguyên tắc nội chuẩn thay thế càng nhiều H bằng D càng tốt nhưng các chuẩn tinh khiết như vậy rất đắt tiền. Peak sắc ký dùng nội chuẩn chloramphenicol D5 có thể tách hợp lý ra khỏi chloramphenicol thông thường cũng như không chập với các peaks với các cấu tử khác (trên sắc ký đồ). Dĩ nhiên các H bị thay thế bằng D phải không là các H linh động để tránh những hiện tượng trao đổi D-H với các chất khác trong dung dịch như tigerchem đã nói. Về quy trình phân tích 3-MCPD thì tigerchem gởi cho tôi quy trình đó, tôi sẽ xem kỹ lại lý do mà tigerchem thắc mắc. Thân ái

Dạ thầy ơi hôm bữa em nhầm, không phải 3-MCPD vì qui trình này cũng có thêm vào chất chuẩn d5, qui trình của em như thế này: 5g mẫu thô –> hoà tan trong 10 mL nước cất và 1mL HCl 1:1 -> chiết với ether 3x15mL -> gộp dịch chiết cô quay -> định mức 1 mL với nước cất. Em không nhớ rõ qui trình này xác định chất gì vì lần đó em xem cũng không kĩ, chỉ nhớ hình như là xác định benzoate trong nước ngọt, nhưng em thắc mắc nhất là qui trình này đã không cho chất nội chuẩn vào mà thay vào đó là HCl 1:1. Xin thầy giải thích giúp em, em xin cám ơn thầy.

HCl 1:1 không thể là chất chuẩn mà chỉ là môi trường phản ứng mà thôi. Nếu em gởi nguyên bản quy trình đó cho tôi thì có thể xem lại. thân ái

To giotnuoctrongbienca! Mình cảm ơn bạn nhiều lắm nha vì câu trả lời dễ hiểu!Mình đã đọc trong sách rùi nhưng vẫn thấy khó hiểu wa. Mình đang cần tìm hiểu về vấn đề này vì luận văn của mình liên quan đến mà.

thưa thầy cho em hỏi , khi ta thay thế H bằng D trong chloramphenicol thì có sẽ tương tác giữa chloramphenicol d-5 với pha tĩnh và pha động như thế nào ? khác với chloramphenicol không thay thế H.

  • khi phân tích chloramphenicol thì yếu tố nào người ta lại chọn thay thế d-5 mà ko thây thế ít hơn hoặc nhiều hơn ? cám ơn thầy nhiều Nếu thầy có tài liệu về nội chuẩn thầy có thể cho chúng em tham khảo được ko thầy ?

Có khác biệt một chút giữa chloramphenicol và d5-chloramphenicol về phương diện tương tác giữa pha tĩnh và pha động. Chính sự khác biệt này ảnh hưởng đến thời gian lưu của hai chất này làm chúng có thể tách ra khỏi nhau (trên GC). Nếu sử dụng detector MS thì người ta không quan tâm nhiều lắm đến sự phân giải giữa chloramphenicol và d5-chloramphenicol (tức là không quan tâm tới sự khác biệt của tương tác giữa chúng lên pha tĩnh và pha động) vì dù peak của 2 chất này chập nhau thì khi vào MS, người ta có thể định luợng riêng rẽ từng cấu tử do chúng có khối lượng cách nhau 5 amu. Để điều chế fully deuteriated chloramphenicol sẽ rất khó khăn và như vậy giá thành rất đắt, người ta nhận thấy chỉ cần d5 thôi cũng đã gây ra sự khác biệt đáng kể giữa 2 chất trên MS và có thể định lượng tốt. Tôi nghĩ nếu thay thế ít hơn d5 thì hoặc là chúng không tách thật tốt ra khỏi nhau ra trên GC hoặc sự khác biệt về phân tử khối không đủ lớn để phân biệt giữa d1-4 và các đồng vị 13C của chloramphenicol trên MS. Nếu em có kinh nghiệm trên MS, em sẽ hiểu những gì tôi nói. Thân ái

dạ em biết là nó có khác biệt giữa chloramphenicol d-5 và chloramphenicol ko thay thế H , nhưng ở đây là em muốn biết có phải chỉ vì thay thế H bằng D như thầy nói " do sự khác biệt về khối lượng " nên nó tách nhau ra . Hay là có tương tác của đồng vị D này với pha tĩnh và pha động khác so với tương tác so với H ? nếu có thầy có thể ví dụ 1 trường hợp cụ thể và giải thích sự khác biệt đó?

  • nếu như mình phân tích 1 chất nào mà chưa biết mình khảo sát tìm chất chuẩn như thế nào ? hay dự đoán chất chuẩn có thể là trên cơ sở nào ? cám ơn thầy nhiều

Thường khi phân tích 1 cái gì đó người ta đều có qui trình chuẩn, các qui trình này được thay đổi dần theo thời gian để có qui trình tối ưu nhất (ví dụ bạn xem trong bài post trên về xác định ure trong nước mắm, các bước thực hiện sẽ dần dần hoàn thiện) . Việc hoàn thiện các qui trình này là do các nhà phân tích, bạn chỉ cần áp dụng làm theo, còn nếu muốn hoàn thiện thì thực hiện và đề xuất, nếu được chấp nhận thì sẽ được cả thế giới công nhận và xem như là standard. Theo mình biết thì các đề tài khóa luận tốt nghiệp của SV phân tích trường mình là tìm ra qui trình hoặc tối ưu hơn các qui trình sẵn có . Thân!

Đề tài này hay quá, cảm ơn các bác. Nhân đây, các bác cho em hỏi về detector NPD (hay còn được gọi là FTD), nguyên lý hoạt động và cơ chế của nó như thế nào ạ?

http://www.chromatography-online.org/5/contents.html

Không biết là Link tren có ích gì không ?Nếu không mod del giùm !

@Te.pok: Trên google rất nhiều bạn ạ! Bạn xem thử 6 trang này : http://www.schambeck-sfd.com/PDF/GCDet/english/NPD.pdf Chúc bạn vui!