Hai điểm mới của thi đại học năm 2006 và những vấn đề đặt ra
Năm thứ 5 Bộ GD-ĐT thực hiện phương án 3 chung trong tuyển sinh ĐH, CĐ cơ bản không có thay đổi đáng kể so với 4 năm đã qua. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm của kỳ thi tuyển sinh năm 2005, đồng thời chuẩn bị cho sự đổi mới căn bản vào năm 2009, năm nay, công tác này cũng có một số điểm mới.
Trước hết, một phương pháp đánh giá được Bộ GD-ĐT cho là tiên tiến - trắc nghiệm khách quan (TNKQ) - sẽ được áp dụng cho môn ngoại ngữ. TNKQ trong thi ngoại ngữ không phải là chuyện xa lạ và số thí sinh là học sinh lớp 12 năm nay đã được tập dượt qua một lần thi thử, một lần thi thật cấp quốc gia. Số thí sinh tự do cũng đã được “thị trường” luyện thi “chăm sóc” cẩn thận. Nhờ có TNKQ mà các lò luyện thi khối D lại có điều kiện phát triển. 100 câu hỏi trả lời trong 90 phút tuy chỉ là đánh dấu vào một phương án duy nhất đúng hoặc đúng nhất nhưng nếu chỉ có kiến thức mà không nhanh tay, nhanh mắt nhờ luyện thì cũng không phải là việc dễ dàng.
Điều đáng nói là với phương thức thi này, những vấn đề có thể lờ đi trong kỳ thi tốt nghiệp thì không thể không nghĩ đến trong thi tuyển sinh. Trước hết đó là số mã đề trong một phòng thi. Dù đây là “bí mật quốc gia” như Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định nhưng người ta cũng dễ dàng đoán ra mỗi phòng thi là 4 mã đề bởi nếu số mã đề nhiều hơn thì sẽ rất vất vả cho khâu sao in đề thi và tổ chức thi. Với 4 mã đề, với tỷ lệ đến thi khoảng 70% mà vẫn cách phát đề thi như ở kỳ thi tốt nghiệp thì không thể đảm bảo tính khách quan của bài thi trắc nghiệm vì rất dễ xảy ra tình trạng các thí sinh ngồi gần nhau có đề giống nhau.
Trong văn bản mới đây được gửi cho các trường, Bộ cũng đã hướng dẫn: “Nếu phát hiện 2 thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang có cùng mã đề thi, cần chuyển ngay 1 trong 2 thí sinh ra chỗ khác, cùng hàng ngang, giữa hai thí sinh có mã đề thi khác, sau đó ghi lại số báo danh của thí sinh trên bàn”. Nếu làm đúng như hướng dẫn này thì mới được hàng ngang, còn hàng dọc - thí sinh ngồi trên ngồi dưới cùng dãy thì sao?
Trong trường hợp phòng thi có đủ thí sinh ( tuy tỷ lệ đến thi chỉ 70% nhưng cũng có thể xảy ra tình trạng này) thì lấy đâu chỗ mà chuyển. Vấn đề thứ 2 là việc chấm bài thi. Bài thi được thực hiện trên phiếu trả lời trắc nghiệm và khi nó được đưa vào máy để đọc thì các thông tin cá nhân của thí sinh đều “lộ thiên” với những người tham gia xử lý phiếu. ở kỳ thi tốt nghiệp, do tính chất của kỳ thi nên chuyện này chưa phải là điều mà xã hội quan tâm nhưng với thi tuyển sinh với tính cạnh tranh cao thì đây thực sự là một vấn đề. Làm thế nào để không thể có bất kỳ một sự can thiệp nào dù nhỏ, dù không vì mục đích tiêu cực xảy ra trong quá trình máy chấm bài nhưng bài thi không được mã hóa là điều mà dư luận đang quan tâm.
Trong hướng dẫn số 4821 ký ngày 9-6 vừa qua, Bộ cũng yêu cầu phải “bố trí cán bộ giám sát trực tiếp và liên tục; trước và sau khi quét, phiếu trả lời trắc nghiệm phải được niêm phong dưới sự chứng kiến của cán bộ giám sát; các thành viên tham gia xử lý phiếu tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng thi và không được sửa chữa thêm bớt vào phiếu với bất kỳ lý do gì”. Tuy nhiên, điều đáng lo không chỉ là bút chì và tẩy mà còn là đĩa mềm , thẻ nhớ và làm thế nào để giám sát từng phút cán bộ xử lý phiếu cũng không phải là điều dễ, nhất là ai đó đã có ý gian lận.
Năm nay cũng là năm đầu tiên có học sinh tốt nghiệp chương trình phân ban dự thi ĐH, CĐ. Đề thi là mối quan tâm hàng đầu của họ. Theo chủ trương của Bộ thì đề thi năm nay sẽ gồm 2 phần: Bắt buộc đối với tất cả thí sinh và tự chọn theo nội dung chương trình phân ban và không phân ban. Phần tự chọn của đề thi ĐH sẽ đúng nghĩa là tự chọn chứ không phải là tự chọn bắt buộc như thi tốt nghiệp vừa qua. Nghĩa là học sinh dù học theo chương trình nào thì cũng có thể lựa chọn chương trình phân ban hoặc không phân ban để làm bài, chỉ yêu cầu thí sinh đã lựa chọn đề nào thì phải làm trọn vẹn đề đó.
Tuy nhiên, điều mà các sĩ tử đang lo lắng là liệu phần tự chọn trong đề thi có độ khó, độ dài ngang nhau trong khi đề thi sẽ phải bám sát 2 chương trình mà chương trình phân ban lại có những hai bộ sách giáo khoa. Thêm nữa, với nhiều chương trình, nhiều bộ sách hẳn sẽ có những cách làm bài khác nhau và điều này có ảnh hưởng gì đến việc chấm thi hay không. Giám khảo được huy động từ nhiều nguồn, nhiều người chỉ dạy chương trình không phân ban liệu có đánh giá chuẩn xác bài làm của thí sinh làm theo đề phân ban. Vẫn biết, dù chương trình nào thì kiến thức cũng như nhau nhưng trong một thời gian ngắn, phải chấm một khối lượng lớn bài thi, trời lại nắng nóng, nếu cứ chiểu theo đáp án chi tiết mà cho điểm thì sẽ dễ dàng hơn là phải cân nhắc để gạn lọc cho thí sinh từng 1/4 điểm quý giá.
Một quan chức của Bộ cũng đã khẳng định trên công luận rằng hướng dẫn chấm thi sẽ được xây dựng theo hướng có nhiều phương án thể hiện, phù hợp với từng bộ sách giáo khoa khác nhau; sẽ có hướng dẫn chi tiết cho các hội đồng chấm và có giám sát, giải quyết kịp thời những thắc mắc nảy sinh trong quá trình chấm. ấy là về lý thuyết, còn có đi xem chấm thi thì mới thấy, lý thuyết ấy không dễ gì được các giám khảo thực hiện đến nơi, đến chốn. Chỉ riêng yêu cầu chấm 2 vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt mà trong năm qua vẫn có tình trạng cán bộ chấm thi vòng 1 đánh dấu để cán bộ chấm theo hoặc cán bộ chấm thi vòng 2 không chấm điểm theo từng ý, chỉ ghi điểm cả câu. Đó là chấm theo một đáp án, nay chấm theo nhiều đáp án nếu không có giải pháp khoa học thì người ta lo đến sự bất công bằng cũng là hợp lý.
Chỉ còn 2 tuần nữa, kỳ thi quan trọng nhất và căng thẳng nhất sẽ diễn ra. Dù cơ bản vẫn giữ sự ổn định nhưng những điểm mới kể trên cũng đặt ra những vấn đề đòi hỏi những người tổ chức thi phải lường trước để kỳ thi đạt được các yêu cầu: An toàn, nghiêm túc, công bằng.
Thí sinh chỉ được phép mang vào phòng thi bút viết (không có gắn đèn phát ra ánh sáng), thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.